31 thg 1, 2013

Vần điệu và tiêu đề trong thơ Haiku - Việt







http://www.duhocnhat.com.vn/wp-content/uploads/2011/01/kimono.jpg



          Khi thể loại thơ Haiku của Nhật bản phổ biến sang Việt nam , rất nhiều người đã dày công dịch và sáng tác không những ở mảng thơ mà cả lý luận nữa . Nói riêng mảng lý luận , từ những bài dịch đã giúp ta hiểu quá trình ra đời và phát triển cũng như lề luật của thơ Haiku . Nhiều bài viết trong nước của các nhà nghiên cứu , nhà thơ còn cho ta sáng thêm những đặc thù của thể loại thơ này gắn với đặc điểm con người và đất nước Nhật Bản ra sao . Người Việt Nam làm thơ Haiku cần vận dụng sáng tạo như thế nào để không mất đi tính “Haiku” nhưng lại gửi được tâm hồn và phong cách Việt vào đó . Những vấn đề này vẫn còn đang được bàn luận , trao đổi thêm cho rõ hơn . Ta có quyền hy vọng vào hướng phát triển đúng của nó chẳng những từ người nghiên cứu mà ngay cả những người làm thơ . Trong bài viết này , tôi chỉ xin được trao đổi sơ bộ về hai nội dung nhỏ là vần điệu và tiêu đề của một phiến khúc Haiku .
          Trong thơ Haiku Nhật , vần điệu trong một bài thơ không nêu thành yêu cầu cụ thể . Những bài thơ dịch sang tiếng Việt dường như các dịch giả cũng ít quan tâm đến vấn đề này . Ngay trong thơ Việt hiện nay , nhiều tác giả cũng viết rất phóng khoáng chỉ cần tâm trạng , ngôn từ và nhịp điệu . Tuy vậy , đại bộ phận người làm thơ và công chúng thơ Việt nam vẫn chịu ảnh hưởng của thơ truyền thống , vẫn ưa thơ có vần . Quả thực một bài thơ đạt đầy đủ các yếu tố khác lại được gieo vần nhịp nhàng , mềm mại rõ ràng có sức truyền cảm mạnh hơn . Đây cũng là một trong những nét riêng cần có của thơ Haiku do người Việt sáng tác . Những cách gieo vần thành công thường gặp trong các bài thơ gồm có vần chân ( Bằng , trắc ) và vần lưng :

                    Chiếc lá vàng
                    Bay ngang
                    Se lạnh
                             *
                    Về thăm mẹ
                    Bước nhẹ
                    Cỏ thơm
                             *
                    Đòn gánh nương vai
                    Phố dài nắng sớm
                    Bước chân hương cốm

          Vì đặc điểm rất ngắn của thơ Haiku nên người ta thường không đặt tên riêng cho từng bài vì có thể số âm tiết trong tiêu đề không ít hơn của chính bài thơ bao nhiêu , như vậy sẽ đánh mất sự cân đối . Mặt khác , không có tiêu đề có thể mở rộng cảm xúc cho người đọc , bài thơ sẽ bay xa hơn trong không gian chiếm lĩnh của mình . Ưu điểm ấy đôi lúc trở thành bất cập nếu người đọc đẩy tưởng tượng đi quá xa so với những ý tưởng cơ bản của người sáng tác . Vì vậy một số tác giả đưa ra giải pháp trung gian bằng cách đặt tên cho một cụm thơ năm hay mười bài . Cách làm này tôi cho là hợp lý đối với cả người viết lẫn người đọc . Chẳng hạn đọc chùm thơ sau :

                    Vu lan
                   
                    Về thăm mẹ
                    Bước nhẹ
                    Cỏ thơm


                            *                          
                    Lối nhỏ lên chùa
                    Ngày xưa
                    Mẹ
                             *
                    Ngõ xóm gầy
                    Cha dắt tay
                    Lẫm chẫm
                             *
                    Nén nhang thơm ngát
                    Tàn rơi về đất
                    Khói quyện lên trời
                             *                       
                    Chong chong mắt
                    Ngước ban thờ
                    Thấp thoáng người xưa

Chắc rằng người đọc sẽ hướng thẩm cảm của mình vào lòng hiếu nghĩa chứ không bị lạc sang lĩnh vực cúng bái chung chung .
          Trên đây là một số suy nghĩ chưa đầy đủ , mong được trao đổi thêm .


2 nhận xét:

  1. EM THẤY HAY QUÁ.
    CÓ VẺ KHÓ THẬT ANH À. HIHI...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào em ! Chúc mừng tập thơ " Hạt Cát_Diệu Sinh 2012 nhé ! Với những ấn phẩm của em mà anh đã đọc hoặc nghe người ta nói , anh thấy em hoàn toàn có thể bước chân vào thơ Haiku mọt cách ... nhẹ nhàng ! Nguyên tiêu này nếu đi Văn miếu em nhớ ghé quán thơ Haiku nhé ! Chúc em luôn vui !

      Xóa