30 thg 1, 2021

                                            Gà lạ (Tiếp) 



                                                   Gà ác Silkie Bantams. 

Đây là gà Trung Quốc. Chúng có nét đặc trưng của gà ác là thịt đen xương đen và lông trắng. Đặc biệt, chân của chúng có 5 ngón. Hiện nay gà này được nhiều người Mỹ nuôi làm thú cưng, nhưng thịt của chúng cũng là 1 món ăn chứa nhiều dinh dưỡng hơn thịt gà thông thường, đặc biệt là có chất carnosine giúp cho hệ miễn dịch của con người chống lại được sự xâm nhập của nhiều loại bệnh.



                                                     Gà cụt đuôi Nam Mỹ.

Việc thiếu đi cái đuôi khiến chúng có vẻ mất đi sự cân xứng, nhưng giống gà này vẫn được nuôi khá phổ biến ở châu Mỹ. Trứng của chúng cũng rất đặc biệt với màu xanh xám.


                                                         Gà lùn Scotland

Khi trưởng thành, gà lùn Scotland nặng khoảng 3.5kg nhưng chân chỉ dài 5cm. Với cặp chân ngắn, gà lùn Scotland khó chạy khắp nơi như những con gà khác, vì thế thịt của chúng không săn chắc, nhưng nhiều người Mỹ và Âu châu lại chuộng loại thịt gà mọng nước, nên vẫn tìm mua. Mặc dù vậy, việc nuôi đại trà giống gà này không dễ, vì tỉ lệ ấp trứng thành công của giống gà lùn này rất thấp. Khoảng 25% số trứng ấp sẽ bị ung, có lẽ vì gen của gà bố mẹ không được khỏe cho lắm.


20 thg 1, 2021





Đã nghe 


Đã nghe nhựa chuyển thơm cành

Nghe nơi rốn lá mầm xanh cựa mình

Đã nghe sương gió giao tình

Nghe xuân gom sắc gọi hình lên môi!

 



 

15 thg 1, 2021

Nhân cách chính khách


1– Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: 

 

Bậc "khai quốc công thần" của quốc đảo sư tử.
Sau khi qua đời, theo di chúc, thi hài Lý Quang Diệu được hỏa táng và không yêu cầu mét vuông đất nào để xây lăng mộ. Trong đám tang ông, đoàn linh xa chỉ có 7 chiếc đưa di hài cựu Thủ tướng tới đài hóa thân.
Về tài sản: Ông chỉ có một ngôi nhà cũ và dặn người thân bán đi cho quỹ từ thiện sau khi ông mất.
Tượng đài: Ông không có tượng đài nào ngoài trời, chỉ có tượng đài trong lòng dân.
Khi ra đi, ông không để lại gì cho riêng mình, ngoài một đất nước phát triển hàng đầu thế giới!
          2– Cựu Thủ tướng Nhật Bản Murayama: 

 

Không nhận lương hưu của Chính phủ trợ cấp, tự đạp xe đi chợ, sống bình dị ở thôn quê.
Sau khi mãn nhiệm vị trí Thủ tướng Nhật Bản không lâu, Murayama cũng xin từ nhiệm vị trí trong Quốc hội đất nước. Cả nhà ông, già trẻ lớn bé đã lặng lẽ đưa nhau về quê hương ở Oita, thuộc đảo Kyushu (Nhật Bản) để sinh sống.
Người dân trên đảo Kyushu thường bắt gặp một ông già gày gò, lịch lãm, nhưng giản dị (ít người biêt ông từng là Thủ tướng đất nước giàu có nhất nhì thế giới) tự đạp xe ra chợ mua đồ ăn hàng ngày.
Người ta thường nói: Khi lãnh đạo của một nước về hưu mà cuộc sống trở nên bình dị thì chứng tỏ tỷ lệ tham nhũng của nước đó thấp và ngược lại. Hầu hết các cựu Thủ tướng của nước Nhật đều có cuộc sống giản dị đến mức bình dân sau khi nghỉ hưu.




 

10 thg 1, 2021

Câu đối - Đôi điều tản mạn

Câu đối là một loại hình văn chương rất gắn bó với đời sống người Việt. Nơi thờ tự, cuộc khánh thành hay buổi nghinh lễ xưa nay ít khi vắng bóng đôi câu đối. Trong thơ phú, câu đối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật làm sang trọng thêm câu chữ và thâm thúy thêm ý tứ.

     Trong thơ Đường luật, các cặp thực và luận, bắt buộc phải là câu đối rồi :

… « Rượu ngon nhấp giọng đưa vài chén

Bút mới xô tay thử mấy hàng

Ngoài ngõ nhấp nhô cò Cụ tổng

Cách ao lẹt đẹt pháo Thày nhang » …  (Khai bút – Nguyễn Khuyến)

Thơ song thất lục bát hay lục bát cũng hay sử dụng ý đối trong từng cặp câu :

… « Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông » …  (Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm)

… « Áng đào kiểm đâm bông não chúng

Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành » …

… « Câu cẩm tú đàn anh Họ Lý

Nét đan thanh bậc chị Chàng Vương » … (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

Hay trong một dòng thơ cũng có tiểu đối :

… « Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia » …

… « Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng » …

… « Côn quyền ngang sức, lược thao gồm tài » … (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

… « Phép công là trọng, niềm tây xá nào » … (Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm)

… « Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình » (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

     Với câu đối, những yếu tố không thể bỏ qua là số lượng từ phải bằng nhau, cùng loại từ đối nhau, bằng trắc đối nhau. Sự hiểm hóc nằm ở chỗ dùng từ mà nó có thể giữ vai trò của nhiều loại từ (danh từ, động từ …)

     Đã một thời gian khá xa, trên trang blog của Hải Xuân có lôi về một vế xuất : « Văn như Văn Như Cương ». Cái oái oăm nằm nơi chữ « như ». Ở vị trí thứ nhất nó là từ dùng so sánh (như = bằng nhau = giống nhau…), ở vị trí thứ hai nó lại là một thành phần trong tên người ! Bỉ nho đã mạo muội dối : « Võ nguyên Võ Nguyên Giáp ». Chữ nguyên thứ nhất cũng là so sánh thứ bậc (nguyên = đầu = đứng đầu …). Cặp đối ấy là :

« Văn như Văn Như Cương

Võ nguyên Võ Nguyên Giáp »

Gần đây, trên trang Facebook cùa mình, Hạt Cát Diệu Sinh cũng kéo về một vế xuất hiểm hóc hơn : « hổ mang bò lên núi ». Ở đây Hổ mang là danh từ chỉ một loại rắn nhưng nếu tách riêng ra, mang là động từ (mang = tha = đem…). Bò cũng vậy, nó là động từ nhưng cũng là danh từ (con bò). Vậy vế này có thể hiểu theo hai nghĩa : Một là con rắn hổ mang bò lên núi và hai là con hổ tha con bò lên núi ! Bỉ nho lại liều mình đối lại « Cua đá ghẹ xuống hồ ». Cũng như trên, cua đá là danh từ chỉ con cua, nhưng tách riêng đá ra thì đó cũng là động từ. Còn ghẹ nó là động từ (ghẹ = đi ghẹ = đi ké = đi ghé …) nhưng cũng là danh từ (con ghẹ). Vậy câu đối này viết đầy đủ sẽ là :

« Hổ mang bò lên núi

Cua đá ghẹ xuống hồ »

Vế đối cũng được hiểu theo hai nghĩa : con cua đá ghé xuống hồ và con cua đá con ghẹ xuống hồ !

     Còn rất nhiều vế xuất lắt léo về ngôn từ cho đến nay vẫn chưa có vế đối như :

« Sư cô lên đền Mông sơn, tiểu ra cả đấy, vãi ra cả đấy » hay

« Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, đến hàng nem chả muốn ăn » đang chờ ta đó !


 

5 thg 1, 2021

Cân thơ



  Toòng tèng quẩy một gánh thơ

Dò lên phố thị hỏi nhờ người cân

Xoay xoay thôi lại vần vần

Câu thơ nhấp nhổm cán cân gật gù   

Toòng tèng quẩy một gánh thơ

Dò lên phố thị hỏi nhờ người cân

Xoay xoay thôi lại vần vần

Câu thơ nhấp nhổm cán cân gật gù