30 thg 10, 2020

Chuyện về cái tên.

          Xưa nay, ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đều chia địa dư ra nhiều phần nhỏ để cai trị. Khi thời cục thay đổi, việc chia lại hầu như bao giờ cũng xẩy ra; đôi khi dưới cùng một thể chế nhưng do yêu cầu, tính toán của giới cầm quyền cũng có những đổi thay về địa lý, địa danh cần thiết.

          Ở Việt Nam ta, mấy năm trở lại đây, dường như việc phân chia địa phương khá hợp lý nên địa giới và địa danh hành chính cũng ổn định. Tên gọi các cấp hành chính từ sau năm một nghìn chín trăm bẩy mươi lăm cũng thống nhất cả nước và hợp lý. Dưới quốc gia là tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh), xã (phường), thôn (phố) và xóm (tổ dân phố).

          Nếu gộp một số quận của thành phố trực thuộc trung ương lại để lập ra một thành phố thì không biết đặt vị trí cái thành phố này vào cung bậc nào trong hệ thống hành chính. Chắc hẳn không ngang bằng với thành phố chứa nó rồi nhưng xếp nó ngang quận cũng nghịch nhĩ lắm. Nếu muốn nhấn mạnh vai trò của khu vực này chẳng thiếu gì cách định danh; chẳng hạn mấy quận ấy là “cụm đặc biệt”, “khu đặc biệt”, “vùng trọng điểm” …  hay muốn vui tai một chút mà vẫn giữ phần quan trọng thì gọi là “thành phố con” vì nó vẫn là những quận cũ mà! Trộm nghĩ, cái tên gọi không làm nên tầm quan trọng (Tấm áo chẳng làm nên thày tu) mà sự phát triển mới cần. Đưa ra một khái niệm mới dài dòng quá (thành phố trong thành phố) chỉ thêm phần rắc rối cho tên gọi liệu có nên chăng? Lại nghe loáng thoáng trên truyền thông nói về khu Phố Đông của Thượng Hải, hình như để minh chứng cho sự phát triển ưu tiên của một khu vực trong một thành phố. Đúng, Phố Đông và Phố Tây là hai khu vực của thành phố Thượng Hải (do nằm trên bờ đông và bờ tây của sông Hoàng Phố) nhưng người ta cũng không đặt ra “Thành phố Phố Đông”, “thành phố Phố Tây”. Nếu tham khảo điều này thì nên gọi thành phố Thủ Đức là “khu Sài Đông” có lẽ hợp lý hơn. (vì ở phía đông sông Sài gòn)

          Xin nói vu vơ thế này để vui tai chút xíu. Trình tự thứ bậc trong một gia đình người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ là … cụ, ông bà, bố mẹ, con, cháu, chắt …Trong số đó có một người con rất quan trọng được nâng lên gọi là bố vậy người này sẽ gọi bố mẹ là anh chị, gọi ông bà là bố mẹ và gọi anh em mình bằng … cháu!

          Có thể rồi mọi thứ sẽ quen đi và có thể rồi mọi thứ đều được chấp nhận. Nhưng mọi sự chấp nhận nếu hợp lý thì sẽ có niềm vui vì danh chính ngôn thuận mà.

          



 

25 thg 10, 2020

OẰN LƯNG

 

Đòn gánh* oằn lưng

Bên lửa nung

Bên nước xối


                                              * Miền Trung




 

20 thg 10, 2020




                 SỰ ĐỜI


Ghé mắt trông xem có khoái không

Phố làng chen chúc đến là đông

Trên loa văng vẳng thơ nhà cóc

Dưới phố ầm ầm máy phó công

Phép tắc trắng đen dương mục kỉnh

Nghĩa tình to nhỏ nút mồi bông

Cảnh đời ra rứa răng không khoái

Đã khoái nghe rồi lại khoái trông

 

15 thg 10, 2020



Chuyện Cái điện thoai.

          Thoạt kỳ thủy, cái điện thoại được sinh ra để nghe và nói từ xa. Mới đầu, việc này tuyền qua dây dẫn. Chính vì thế mà trạm bưu điện được gọi là “nhà dây thép”; việc gọi đi là “đánh dây thép”! Đến nay việc gọi qua dây không phổ biến nữa và dùng điện thoại cũng không chỉ để nghe nói mà có thể làm được rất nhiều việc thông qua các ứng dụng như ta đang thấy. Với khả năng thông minh, cái điện thoại đã trở thành dụng cụ bất ly thân của nhiều người, không ít trong số người sử đụng trờ thành con nghiện!

          Học sinh, nhất là những học sinh lớn, việc dùng điện thoại là cần thiết nếu không muốn nói là có quyền dùng. Nhưng dùng khi nào và ở đâu mới là chuyện nên trao đổi. Trong giờ học, nhất là học trên lớp, không được sử dụng điện thoại. Không chơi trò điện tử đã đành mà ngay cả việc gọi, nghe cũng phải xin phép như khi xin ra khỏi lớp. Cho rằng học sinh được phép mang theo điện thoại là để học dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong một số trường hợp là chưa thuyết phục. Bởi lẽ không phải học sinh nào cũng có điện thoại, mặt khác màn hình điện thoại nhỏ không phù hợp với việc học. Nếu muốn làm việc này phải cung cấp cho mọi học sinh một máy tính bảng học đường. Chắc chắn hoàn cảnh kinh tế hiện nay của nhà nước chưa thể thực hiện được. Việc cho phép học sinh mang điện thoại đến trường không cần nói đến như một quy định mới mẻ; chỉ cần yêu cầu giáo viên quản lý tốt việc sử dụng điện thoại khi học sinh ở trường là đủ. Cũng nên mở cuộc vận động rộng rãi với gia đình để xóa nạn nghiện điện thoại của con em mình. Dĩ nhiên xã hội cũng cần có những hình thức hoạt động để lôi trẻ em ra xa mọi loại màn hình vô bổ.

          Chuyện cái điện thoại không chỉ cần lưu ý với học sinh. Giáo viên đang lên lớp, thày thuốc đang khám chữa bệnh, nhân viên đang giờ làm việc tại văn phòng … thì sao? Có cần quy định cụ thể việc sử dụng điện thoại để đảm bảo chất lượng công việc đang thực thi không?

          Cái điện thoại hiện đang là “một phần tất yếu của cuộc sống” nhưng nó cũng là nguyên nhân không nhỏ làm cho chất lượng học tập và làm việc bị ảnh hưởng xấu. Muốn bỏ cái xấu phải kết hợp giáo dục và kỷ luật. Xu hướng giảm nhẹ phần kỷ luật trong trường học chưa chắc đã là hay. Chú trọng xây mà không chống sẽ khó thành công; mà nếu có, thành công cũng dễ đổ! 




 

10 thg 10, 2020

Thăng Long – Hà Ni

     (Viết cho ngày hôm nay)

 

Nhìn trời mắt hút rồng bay

Nhìn Hồ lòng ngẩn ngơ say Kiếm thần

Nhìn người mặt chạm mùa xuân

Nghìn năm xa phảng phất gần đâu đây!




 

5 thg 10, 2020

Góc nhìn 

 

“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”      (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

          Đây là một trong những câu thơ lục bát tuyệt vời nói về cảnh vật trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Một câu thơ đẹp cả dáng lẫn hồn; vần điệu mượt mà, tiểu đối chuẩn mực. Câu thơ bay vút lên trở thành một bức họa đồ hoàn chỉnh đầy màu sắc, lung linh quyến rũ. Câu thơ đặt ta lọt thỏm vào giữa không gian thực mà mơ, tĩnh mà động như sờ được mà rất huyền bí. Đấy, hồn Việt đấy, tinh hoa Việt đấy. Chẳng thế mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phải thốt lên trong ca từ bài hát “Tiếng nước tôi” như thế này:

“Một yêu câu hát Truyện Kiều

Lửng lơ như tiến sáo diều làng ta

Và yêu cô gái bên nhà

Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên”

Cô gái bên nhà mặn mà, có duyên đến thế mà cũng chỉ được đứng thứ hai trong thứ bậc yêu đương! Nếu có ai đó nói thơ lục bát là “Quốc thi” của người Việt Nam cũng không coi là ngoa ngôn lắm!

          Bây giờ xin đứng dịch sang phía khác chút xíu và viết lại câu thơ trên:

“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc

Non phơi bóng vàng”

Ồ thì ra đây lại là một phiến khúc haiku tuyệt vời; ba ngắt ý (hình ảnh) rạch ròi không thể chê vào đâu được. Ngắt ý một là một ảnh ảo màu thanh thiên in trên đáy nước; ngắt ý hai là áng mây xanh ôm lấy bờ thành; còn ngắt ý thứ ba là triền non được nắng tãi dát vàng. Ba hình ảnh này không dính líu gì nhau nhưng lại níu tay nhau, ướp hương nhau nên một không gian tuyệt vời của vẻ đẹp. Những khúc haiku hiện hữu ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên để gửi gắm, hòa lòng vào trạng thái thanh thản có vẻ như chưa sánh kịp.

          Nếu dùng hai cách nhìn này về một câu thơ mà cho rằng haiku và lục bát có liên quan thì thật sai lầm; cụ Nguyễn Tiên Điền sẽ mắng cho không có đường tránh. Đây chỉ là khúc nhàn đàm viết ra để mua vui!