27 thg 4, 2013

Gà ... mọc đuôi tôm !



Lời thưa : Ngày 15/02/2010 trên trang vnweblogs tôi có đăng bài “ Có phải gà mọc … đuôi tôm” trong chuyên mục “ Bàn luận” . Bài viết đã nhận về nhiều lời bàn luận lý thú . Khoảng một năm sau tôi vẫn nhận được lời bàn từ bạn Thanh Tuấn . Mới cách đây mấy ngày bạn Jenna Tran lại gửi Mail cho tôi bàn về nội dung này . Tôi thấy những ý kiến trái chiều của hai bạn có nhiều điều cần đưa ra tham khảo rộng rãi hơn . Vì vậy tôi đăng lại bài viết và hai lời nhận xét vừa nói để các bạn tham khảo và cùng suy nghĩ . Rất mong có sự trao đổi thêm để cuộc chơi sôi nổi hơn ! 



Có phải “ ...Gà mọc đuôi tôm ” ?

         Thành ngữ “ Chủ vắng nhà , gà mọc đuôi tôm ” thoạt nghe chừng như vô lý . Sao gà lại mọc đuôi tôm mà lại mọc lúc chủ vắng nhà ? Vì vậy có người cho rằng câu này phải là : “ Chủ vắng nhà , gà vọc niêu tôm ” mới đúng . Có lẽ đuôi tôm ở đây nên hiểu là hình dáng giống đuôi con tôm ( Như áo đuôi tôm ) . Trong quá trình lớn lên , giai đoạn gà con chuyển từ bộ áo lông tơ sang lông ống , ở phần đuôi gà trông như có cái  “ đuôi tôm” dán vào . Đây là thời kỳ gà con chưa biết sợ là gì , rất hiếu động , bới móc lung tung . Phải chăng khi chủ vắng nhà là mọi con gà lập tức “ mọc đuôi tôm ” ? Thành ngữ này hàm ý khi không có sự trông coi của người lớn ( chủ ) thì trẻ con ( các thành viên ) sẽ lộn xộn , vô kỷ luật như lũ gà đang mang đuôi tôm kia . Nếu cho rằng “ gà vọc niêu tôm” e sẽ làm hẹp đi ý nghĩa của thành ngữ tế nhị này. 



Lời bình của Thanh Tuấn :

          Thân gửi bạn Lý Viễn Giao !
Theo e-cadao.com; câu số 19143 : Vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm . Bạn giải thích nghĩa theo ý hiểu của bạn chứ không nên khẳng định là hẹp đi nghĩa của câu ca dao.
          Thứ nhất : Giai đoạn "gà mọc đuôi tôm" trong khoa học tự nhiên từ ngày mẫu giáo đến giờ, trong tất cả các văn bản mà mình được biết không thấy có. Giai đoạn này có theo lý giải của bạn chứ không có cơ sở khoa học
         Thứ hai : Gà ở giai đoạn "mọc đuôi tôm" thì ngổ ngáo, hiếu động, phá phách, không biết sợ là không đúng. Bản năng của tất cả các loài đều biết sợ. Không chỉ riêng gà, mà tất cả các vật nuôi đều không dám vào "bếp" khi có chủ nhà. Thế nên khi không có chủ nhà, thì có thức ăn chỗ nào nó đều mò vào để giải quyết nhu cầu.. ăn
          Thứ ba : Theo giải thích của bạn, ý nghĩa của câu ca dao bị hẹp hẳn đi : Chỉ những người ở giai đoạn "mọc đuôi tôm" là phá phách, nghịch ngợm, vô kỷ luật khi không có chủ nhà ( bố mẹ, chủ gia đình, chủ cửa hàng.. ). Trong khi câu ca dao của các cụ bao gồm tất cả các độ tuổi, khi vắng ông bà chủ, thì vào ăn vụng hoặc làm những việc mà khi có chủ nhà họ không dám làm. Đối tượng được câu ca dao nói đến ở đây là đầy tớ, là con cái, là nhân viên.. chứ không phải chỉ gói gọn ở độ tuổi"mọc đuôi tôm, hiếu động "như bạn nói.
                                                                                                                         Thân!


Trả lời ( Của Lý Viễn Giao )        
         
          Chào bạn Thanh Tuấn ! Trước hết cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của tôi . Hơn thế , bạn còn tham gia cùng bàn luận . Khi mở mục “ Bàn luận ” , mục đích của tôi không gì hơn là cùng nhau trao đổi để làm sáng tỏ những điều có vẻ như chưa thống nhất ngõ hầu mang lại cách nhìn chung . 
         Trong lời bình luận của bạn về bài viết “ Có phải ... Gà mọc đuôi tôm ” của tôi đăng ngày 15/02/2010 trên http://nguyenbinh39.vnweblogs.com/, bạn có nêu vài nội dung mà tôi thấy cần trao đổi cùng bạn .
          Đầu tiên là có hay không câu thành ngữ “ Chủ vắng nhà , gà mọc đuôi tôm ” ? Đã gọi là văn chương truyền miệng không sao tránh khỏi “ Tam sao thất bản ” . Mặt khác mỗi vùng , mỗi thời những câu ấy được thay đổi do người sử dụng hoặc vô tình , hoặc hữu ý làm nó khác đi theo nhận thức của riêng mình . Trong khi những người tập hợp như Vũ Ngọc Phan hay như bạn viện dẫn e-cadao.com cũng chỉ có không gian và thời gian hữu hạn của mình sao mà ghi chép cho hết được . Tôi không hề phủ nhận không có câu “ Chủ vắng nhà gà vọc niêu tôm ” và vì vậy bạn cũng đừng nên cho rằng câu tôi đưa ra là không có mặc dù bạn chưa thấy ở đâu , kể cả sách giáo khoa mà bạn đã học từ thời để chỏm !
          Phải rồi , Chỉ có con người – một động vật đặc biệt –Thượng đế mới ban cho đủ thất tình : ái , ố , hỉ , nộ , ai , cụ , dục . Những động vật khác chỉ có một số bản năng . Ở cấp phát triển càng thấp thì lượng bản năng càng ít và giản đơn . Nói riêng với gà thì sợ – tức cụ – có phần do bản năng , có phần do tập nhiễm . Gà ở độ “ Mọc đuôi tôm ” chưa trải qua nhiều tình huống phải sợ lại vừa mới – hoặc còn – được mẹ che chở nên độ sợ sệt chỉ rất thấp . Trong khi đó cơ thể ở giai đoạn phát triển , cái gì cũng muốn tò mò , khám phá – chứ không phải ngổ ngáo – chẳng những vọc niêu tôm mà bao giờ , ở đâu cũng muốn nhẩy vào mọi chỗ có thể để kiếm ăn nhưng cũng có khi chẳng để làm gì cả .
          Sau cùng , bạn đã bị đảo ngược tư duy về rộng , hẹp rồi đó ! Nếu “ Gà vọc niêu tôm” mới hẹp chứ ! Vì nó chỉ đề cập đến một sự việc “ vọc niêu tôm ” rất cụ thể , rất đơn chiếc . Ừ thì cố suy diễn để hiểu rằng đã vọc niêu tôm nó có thể vọc nhiều nồi niêu khác kể cả thúng gạo , lọ vừng , chậu cám ... .Suy diễn thêm để mở rộng e nhiều khiên cưỡng . Còn “ Gà mọc đuôi tôm ” chỉ ra một trạng thái , một giai đoạn của con gà với đầy đủ các yếu tố tâm sinh lý ẩn chứa , ta có thể mường tượng ra nhiều hành vi tự do , bất chấp của nó . Hình ảnh này dùng để dẫn tới một chân lý giản đơn “ Thiếu giám sát tất yếu sẽ không còn kỷ cương ” sẽ nhẹ nhàng , tự nhiên hơn nhiều . Lại xin lạm bàn thêm chút xíu : Cái hình ảnh “ Gà mọc đuôi tôm ” có vẻ như “ Trêu tức ” tư duy , nó đưa ra nhiều tầng suy nghĩ và mang tính văn chương hơn thì phải ! Nói vậy để bạn và tôi cùng tự trả lời về nội hàm của hai trường hợp một câu thành ngữ chỉ khác nhau có hai chữ “ Vọc niêu ”và “Mọc đuôi”
          Đúng với mục đích bàn luận , Xin một lần nữa cảm ơn bạn đã góp lời . Đặc biệt hơn , vấn đề đã nêu lên từ khá lâu mà bạn vẫn quan tâm đến . Vì vậy bên cạnh lời cảm ơn tôi còn muốn thổ lộ một trạng thái tâm lý nữa của mình là cảm động . Mong sau này chúng ta sẽ gặp nhau nhiều hơn . Chúc bạn an lạc !


Thư của Jena Tran ( jennatrano3@gmail.com )


          Hi a Lý Viễn Giao , tình cờ đọc được bài viết của anh trên mạng về chủ đề này và cũng đang bức xúc về một luồng tư tưởng hiện nay, e mạn phép trao đổi với anh về topic này: "vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm". Thế thì nếu chủ nhà có ở nhà thì gà không mọc được đuôi tôm? Nếu nói về việc đúng sai, thì phải dựa theo cái chuẩn, nguồn gốc của nó chứ không nên biến tướng ra rồi giải thích sao nghe có lý là được. Theo cách giải thích của anh Nguyễn Bình thì đồng ý là gà trong giai đoạn "mọc đuôi tôm" rất phá, nhưng xét thêm ra thì gà đã qua giai đoạn "mọc đuôi tôm" cũng phá vậy. Vì bản năng của gà là tìm tòi, lục lọi kiếm ăn mà. Ở đây người xưa lấy hình ảnh gà "vọc niêu tôm" để nói về hiện tượng "lạm dụng kỷ cương khi vắng mặt của người trên" chứ không chỉ nói về một nhóm người/một lứa tuổi. Ví dụ: tình trạng này cũng gặp ở những người lớn tuổi, đã trưởng thành, đi làm: ko có sếp trong văn phòng là nhân viên tự ý làm việc riêng, đi trễ về sớm. Không phải nhiều người nói sai thì câu nói ấy trở thành đúng.
                                                                                                                    Thanks,
                                                                                                                    Jenna.

Trả lời ( Của Lý Viễn Giao )


          Chào bạn Jena Tran ! Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi nhận được thư của bạn gửi qua E.mail . Bởi lẽ vấn đề mà tôi nêu lên kể cũng đã lâu và trang blog  đăng  bài đó tôi cũng đã khép lại có đến vài năm rồi . Nhân ý kiến của bạn , tôi xin quay trở lại cùng bạn làm sáng tỏ thêm đôi điều !
          Trước hết hãy tạm gác lại chuyện mà bạn đang « bức xúc về một luồng tư tưởng hiện nay » vì chắc rằng tôi và bài viết của tôi không có liên quan . Bạn cho rằng « Nếu nói về việc đúng sai, thì phải dựa theo cái chuẩn, nguồn gốc của nó chứ không nên biến tướng ra rồi giải thích sao nghe có lý là được » . Câu «  Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm » và cả câu «  Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm » tôi đều được nghe khi giao tiếp ở nhiều địa phương , không phải tự mình «  Biến tướng ra » . Từ đó tôi muốn nêu lên trong mục « Bàn luận » để bạn bè cùng tham gia trao đổi . Xin thưa ngay cả cuốn sách đồ sộ «  Ca dao – Tục ngữ » của Vũ Ngọc Phan cũng là sưu tầm trong dân gian mà có . Nội  dung bàn bạc của tôi là trong hai câu đó câu nào đúng hơn chứ không dẫn đến khảng định hay phủ định câu nào .
           Nếu hiểu «  Gà mọc đuôi tôm » theo nghĩa sinh học thì đúng như bạn nói . Chủ có ở nhà nó vẫn mọc ! Ở đây , theo tôi , hình ảnh ảnh này mang tính tượng trưng để nói về một trạng thái tâm lý mà không chỉ là hiện tượng mọc đuôi tôm của gà . Muốn nói một chút về cái «  thực » mà bạn nêu . Vâng ! Gà nào mà chẳng quấy phá . Chưa đến tuổi này hay đã qua tuổi này cũng thế . Nhưng nếu nhỏ hơn thì còn chưa đủ sức , đủ tự tin . Khi lớn hơn rồi , đã có kinh nghiệm sẽ biết sợ , sẽ dè dặt hơn ! Còn như ở tuổi «  mọc đuôi tôm » sự quấy phá sẽ vô chừng , vô lo !
          Không hiểu bạn có nghĩ như tôi về phạm vi của sự quấy phá khác nhau trong «  mọc đuôi tôm » và «  vọc niêu tôm » không ? Với trạng thái «  mọc đuôi tôm » gà có thể gây ra nhiều phiền toái hơn mà trong đó «  vọc niêu tôm » chỉ là một sự việc cụ thể . Sự kiện này lại xẩy ra có điều kiện . Đó là phải có niêu tôm để hớ hênh ! Bạn cho rằng câu thành ngữ đang bàn nói lên hiện tượng "lạm dụng kỷ cương khi vắng mặt của người trên" . Có lẽ ý này chúng ta thống nhất chỉ có cách viết khác nhau đôi chút .
          Tôi không dám nghĩ điều mà mình đưa ra bàn luận lại được nhiều người cùng quan tâm và quan tâm lâu đến vậy . Thật lòng cảm ơn bạn và mong câu chuyện được tiếp tục  . Chúc bạn nhiều niềm vui trong cuộc sống !









24 thg 4, 2013

Hoài niệm chơi vơi

http://images.yume.vn/blog/201108/16/1313480249_196575_177755465605894_145550452159729_403689_2317204_n.jpg


Nhớ về em sống lại thưở nào
Cái thời đôi mắt cứ trong veo
Hai bím tóc rung bờ vai mảnh
Chẳng hẹn cũng chờ cũng giận nhau

Buổi ấy chúng mình có chi đâu
Một ba lô mấy bức thư nhầu
Một trái tim nồng say và khát
Một tình yêu lấp lánh trao nhau

Em hát để anh rót tiếng đàn
Âm thanh đầy ắp lộng không gian
Lửa trại bập bùng rung gió núi
Lời ca leo vút đỉnh non ngàn

Nhớ chăng em bản vắng khơi sương
Bếp lửa hồng chung bắp ngô nương
Chung nhau vốc nước rò khe đá
Chung giọt mồ hôi thấm mặt đường

Nhớ về  em nguyên vẹn mùa xưa
Nắng vẫn nắng này mưa vẫn mưa
Vẫn nụ cười trong đôi mắt ấy
Vẫn khúc tình ca như suối tơ