20 thg 5, 2019

Tiếng hạ





Dưới vòm me
Một dàn ve
Lay chùm nắng
Tiếng chim cu
Gật gù
Xóm vắng         
 
Sau trận mưa rào
Nước ngập bờ ao
Đêm đầy tiếng ếch
Gió thầm thì
Sáo vu vi
Diều treo mắt
Sao đầy trời
Giọt sương rơi
Dế mèn thôi hát



10 thg 5, 2019

Danh xưng




          Trong dân gian có câu “Trông mặt đặt tên”. Câu nói nôm na, giản dị vậy mà sâu xa biết nhường nào. Người ta cứ loay hoay đi tìm tên cho cái trạm thu lệ phí giao thông trên đường mãi mà không xong. Nếu đúng là cần tìm tên chỉ để thỏa mãn nhu cầu ngôn ngữ thôi thì xin có đôi lời tham vấn.
          Thu tiền ư? Thì đúng rồi vì đây là nơi xe cộ qua lại phải nộp tiền lệ phí thật! Nhưng tên gọi này không nói lên được bản chất của việc thu bởi lẽ có nhiều nơi cũng thu tiền như bệnh viện, trường học, cửa hàng, khu giải trí… Chỉ nói ngay tại trạm thu này thôi thì đó là thu tiền lưu thông hàng hóa, tiền gây ô nhiễm môi trường, làm hư mòn đường hay tiền gây quỹ từ thiện ? Nếu muốn rõ ràng phải gọi đầy đủ là “Trạm thu tiền lệ phí giao thông”
          Người dân, mà trực tiếp là những người lái xe không bức xúc vì tên gọi của các trạm giao thông này mà ở nơi những bất cập của nó. Đó là khoảng cách các trạm, đó là mức tiền thu và đó là cung cách quản lý không minh bạch dẫn đến sự tùy tiện, thất thoát và hiện tượng lợi ích nhóm thao túng. Nên chăng hãy lắng nghe, hãy thực sự cầu thị để điều chỉnh những bất cập cho hợp lý hợp tình. Nên chăng tìm kiếm việc hoàn vốn đầu tư bằng cách kéo dài thời hạn thu, giảm bớt mức độ thu một cách minh bạch để nhiều thế hệ lái xe san sẻ sự đóng góp, tránh tình trạng tiền phí nhiều hơn tiền xăng dầu như hiện nay.
          Cái tên vô lối “thu giá” coi như quên đi. Tên “Thu tiền” lập lờ cũng đừng nên cho tồn tại. Hãy “trông mặt” việc thu tiền của các trạm giao thông mà “đặt tên” cho nó. Có lẽ nên gọi nó là Trạm thu LỘ PHÍ vừa sáng nghĩa, vừa gọn từ. Danh xưng này sẽ tồn tại tường minh với bạn bè nó như Viện phí, Học phí, hội phí … mà ta từng quen gọi.


         

Danh xưng




          Trong dân gian có câu “Trông mặt đặt tên”. Câu nói nôm na, giản dị vậy mà sâu xa biết nhường nào. Người ta cứ loay hoay đi tìm tên cho cái trạm thu lệ phí giao thông trên đường mãi mà không xong. Nếu đúng là cần tìm tên chỉ để thỏa mãn nhu cầu ngôn ngữ thôi thì xin có đôi lời tham vấn.
          Thu tiền ư? Thì đúng rồi vì đây là nơi xe cộ qua lại phải nộp tiền lệ phí thật! Nhưng tên gọi này không nói lên được bản chất của việc thu bởi lẽ có nhiều nơi cũng thu tiền như bệnh viện, trường học, cửa hàng, khu giải trí… Chỉ nói ngay tại trạm thu này thôi thì đó là thu tiền lưu thông hàng hóa, tiền gây ô nhiễm môi trường, làm hư mòn đường hay tiền gây quỹ từ thiện ? Nếu muốn rõ ràng phải gọi đầy đủ là “Trạm thu tiền lệ phí giao thông”
          Người dân, mà trực tiếp là những người lái xe không bức xúc vì tên gọi của các trạm giao thông này mà ở nơi những bất cập của nó. Đó là khoảng cách các trạm, đó là mức tiền thu và đó là cung cách quản lý không minh bạch dẫn đến sự tùy tiện, thất thoát và hiện tượng lợi ích nhóm thao túng. Nên chăng hãy lắng nghe, hãy thực sự cầu thị để điều chỉnh những bất cập cho hợp lý hợp tình. Nên chăng tìm kiếm việc hoàn vốn đầu tư bằng cách kéo dài thời hạn thu, giảm bớt mức độ thu một cách minh bạch để nhiều thế hệ lái xe san sẻ sự đóng góp, tránh tình trạng tiền phí nhiều hơn tiền xăng dầu như hiện nay.
          Cái tên vô lối “thu giá” coi như quên đi. Tên “Thu tiền” lập lờ cũng đừng nên cho tồn tại. Hãy “trông mặt” việc thu tiền của các trạm giao thông mà “đặt tên” cho nó. Có lẽ nên gọi nó là Trạm thu LỘ PHÍ vừa sáng nghĩa, vừa gọn từ. Danh xưng này sẽ tồn tại tường minh với bạn bè nó như Viện phí, Học phí, hội phí … mà ta từng quen gọi.
         

3 thg 5, 2019

Cửa Phật




Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in chuỗi ngày bé thơ với ngôi chùa làng nho nhỏ. Ngày ấy, với tôi, chùa làng cũng không đến nỗi nào khi mà tôi chưa được biết những quần thể chùa hoành tráng nhất nhì châu lục và thế giới như bây giờ. Nhà tôi ở không xa chùa là mấy nên những ngày rằm mồng một, phải khi thuận gió, mùi nhang khói phảng phất đến tận đầu vườn. Tiếng mõ gõ nhịp thời gian và lời chuông ngân loang trong sương từng sớm từng chiều rót vào tôi như một phần không thể thiếu của nhịp sống ấu thơ. Mỗi lần bám mẹ lên chùa, tôi đi qua cây cầu đá bắc ngang con ngòi rộng rồi men theo bờ ngòi đến thẳng cổng tam quan. Mùi thơm nhẹ nhàng phảng phất của hoa trang hoa súng , tiếng ộp oạp của ếch nhái, giục bàn chân nhỏ lon ton không mỏi khi túm lấy vạt áo dài nâu của mẹ bay cong trong gió.
          Đi trong tiếng chuông ngân mõ tụng tôi thấy bước chân mình bồng bềnh. Nằm giữa khu vườn chùa nhấp nhô dăm ngọn tháp, nơi an nghỉ của các thiền tăng. Tuy không rộng lớn nhưng chùa làng tôi cũng đủ tiền sảnh, hậu cung; đủ nhà trai, nhà chè. Vào cung chính, tôi hơi rờn rợn khi đứng trước những pho tượng uy nghi mang nhiều dáng vẻ khác nhau. Sợ nhất là khi đến gần “Ông ác” và mủi lòng hơn cả là lúc đứng trước vị “Nhịn ăn mà mặc”. Tôi không nhớ hết sư tiểu trong chùa, chỉ thích sư cụ trụ trì với dáng điềm đạm và cũng “cổ kính” như ngôi chùa hay phát lộc cho. Có lần tôi làm thơ về chùa làng mình, bài thơ có đoạn viết:… “Chùa xưa ẩn dưới màn cây lá
                                        Sư cụ ra vào giữa khói hương
                                        Chuông giong mõ điểm trong yên ả
                                        Đài phật lung linh tháp gội sương” …
          Lớn lên, được đi nhiều và cũng vãn cảnh nhiều chùa. Mỗi lần gặp lại ngôi chùa giống như chùa làng xưa, tôi đều lấy lại được cảm giác thanh thản, bình yên và tự tại. Cảnh trí tĩnh lặng trong không gian thoáng đãng di dưỡng tâm hồn, cho mình được sống bằng chính mình. Bây giờ tôi đã đủ hiểu chùa không thiêng vì to, vì lạ. Trộm nghĩ, Phật cũng chỉ muốn lung linh ở những nơi thâm am tĩnh tự , ở đó phật thuyết được tỏa sáng trong lòng người. Điều này chẳng biết đúng sai ?