29 thg 3, 2018

Hội thơ xuân




Quẩy thơ về trẩy hội xuân
Bờ vai xa ánh mắt gần chạm nhau
Biếc giầu nên nỗi tươi cau
Thì ra thơ bỏ bùa nhau thật rồi !

19 thg 3, 2018

Lời ngỏ cuối cùng của Phật


          Trong một khu rừng cạnh thị trấn Câu-thi-na (Kusinaga, còn viết là Kuçinagara), ngày nay là một thị trấn nhỏ tên là Kasia, cách 50 cây số về phía đông tỉnh Gorakhpur, và cách 150 kilomét về phía bắc đông bắc Varanasi (Bénarès), Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây sa-la. Ngài tự gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu hướng về phía bắc, mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia. Sau đó Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng của Giáo Pháp.

          Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấncủa ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.
          Hãy nhìn vào thân xác các con, các con sẽ thấy cái thân xác đó ô uế biết chừng nào. Khi các con hiểu được rằng lạc thú lẫn đớn đau của thân xác cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ đau, khi hiểu được như thế, các con sẽ không thể nào tự buông lỏng cho dục vọng chi phối các con.
          Hãy nhìn vào tâm thức các con, các con sẽ thấy cái tâm thức đó biến dạng không ngừng.Vì thế các con sẽ không thể nào tự buông rơi vào chính những ảo giác của tâm thức, để rồi tự duy trì những kiêu căng và ích kỷ do tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã hiểu rằng những xúc cảm đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi.
          Hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào không phải là những kết hợp sinh ra hay không? Tất cả sẽ gẫy nát, tan rã và phân tán. Các con chớ sợ hãi khi nhận thấy khổ đau cùng khắp mọi nơi, hãy noi theo những lời giáo huấn của ta, kể cả sau khi ta đã tịch diệt. Như thế các con sẽ loại bỏ được khổ đau. Thật vậy, cứ noi theo những lời giáo huấn của ta, rồi nhất định các con sẽ trở thành những đồ đệ thật sự của ta.
          Này các đồ đệ của ta, những lời giáo huấn ta giảng cho các con, các con đừng bao giờ quên, đừng bao giờ để cho mai một đi. Phải bảo tồn những lời giáo huấn ấy, đem ra nghiên cứu và thực hành. Nếu theo đúng những lời giáo huấn ấy, các con sẽ đạt được an vui. Những gì hệ trọng nhất trong những lời giáo huấn của ta là các con phải kiểm soát được tâm thức các con. Hãy gạt bỏ mọi thèm muốn và giữ cho thân xác đứng thẳng, tâm thức tinh khiết và ngôn từ chân thật. Nếu các con biết tự nhắc nhở là cuộc sống của các con chỉ là tạm bợ, các con sẽ đủ khả năng loại bỏ mọi thèm khát và hung dữ đưa đến khổ đau.Nếu các con nhận ra được là tâm thức các con đang có xu hướng bám níu hay vướng mắc  vào ham muốn, các con phải gạt bỏ ngay sự ham muốn và chận đứng sự cám dỗ đó. Các con phải làm chủ được tâm thức các con.
          Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thúKhi rơi vào sự lầm lẫn, ta có thể trở thành quỷ sứ, nhưng khi Giác ngộ ta sẽ thành Phật. Vì thế, các con phải kiểm soát lấy tâm thức các con và không đi lạc ra ngoài Chánh Đạo.
Để có thể giữ đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau và đừng cãi vả. Đừng bắt chước như nước với dầu xô đẩy lẫn nhau; hãy bắt chước như nước với sữa, có thể hoàn toàn hòa lẫn vào nhau.Hãy cùng nghiên cứu với nhau, cùng giảng giải cho nhau, thực hành với nhau. Không nên phí phạm tâm thức của các con và thời giờ của các con trong sự cãi vả hay lười biếng. Hãy hân hoan đón nhận hoa thơm của giác ngộ vào lúc ra hoa và hái lấy quả ngọt trên đường ngay thật.

Những lời giáo huấn ta ban cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Các con nên tuân theo những lời giáo huấn ấy và giữ đúng như thế dù phải gặp hoàn cảnh khó khăn nào. Nếu các con xao lãng, có nghĩa là các con chưa hề gặp được ta, các con thật sự còn đang ở một nơi nào đó thật xa, dù cho trong lúc này đây các con đang ngồi bên cạnh ta cũng vậy.
Nhưng nếu ngược lại, các con chấp nhận và đem ra thực hành những lời giáo huấn của ta, thì dù cho các con ở thật xa trong một chốn tận cùng của thế giới, nhưng cũng giống như các con đang ở bên cạnh ta trong lúc này.
          Hỡi các đồ đệ, phút cuối cùng của ta đã gần kề, phút xa lìa giữa ta và các con không còn bao lâu nữa. Tuy nhiên các con không nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không ngừng và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Cái sự thực đó, ta đang chứng minh cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con phải hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi ấy và hiểu được rằng sự sống của con người chỉ là trống không mà thôi. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý, mong muốn những gì tạm bợ phải nhất định trở thành trường tồn. Con quỷ của những dục vọng thế tục luôn luôn tìm cách đánh lừa tâm thức các con. Nếu có một con rắn độc trong phòng, các con sẽ không thể nào ngủ yên nếu chưa đuổi được nó ra ngoài. Các con phải cắt đứt những mối dây ràng buộc của thèm khát thế tục và dứt bỏ những mối dây đó như các con đã đuổi bỏ con rắn độc ra khỏi phòng. Các con phải bảo vệ thật cẩn thận tâm thức các con.
          Này các môn đệ của ta, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được cha mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bịnh tật và cái chết.Một vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ là sự Giác Ngộ. Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi. Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí Tuệ của Giác Ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Giáo Pháp, trên con đường tu tập Giáo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những Lời Giáo Huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta.
Sau khi ta tịch diệt, Giáo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Giáo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta.Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề giấu giếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.
Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết Bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con.


Những điều Phật không thể làm được!
          Có một đệ tử hỏi Phật rằng : “Ngài có thần thông và từ bi, vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?
Phật rằng : “Tôi tuy có sức thần thông rất lớn ; nhưng có bốn điều là vẫn không thể thực hiện được, chính là :
Điều 1 : Nhân quả không thể đổi thay, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay.
Điều 2 : Trí tuệ không thể cho được, bất kỳ ai muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu, học.
Điều 3: Tột cùng của Diệu pháp không thể diễn tả được. Bản thể chân thật của vũ trụ dùng ngôn ngữ không thể cắt nghĩa mà hiểu được, chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi.
Điều 4 : Không có duyên thì không thể độ, người không có duyên thì họ không bao giờ nghe những lời nói mà ta chia sẻ. Mưa trời tuy lớn, cây không rễ khó mà thấm nước, Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên.

Gọi Là..
- Gọi là bạn bè, là những người an ủi tinh thần của bạn;
- Gọi là tiểu nhân, là những kẻ làm trở ngại phẩm đức của bạn;
- Gọi là cố nhân, là những người tạo ra sự ưu tú của bạn;
- Gọi là quý nhân, là những người làm thay đổi vận mệnh của bạn;
- Gọi là Phật Thánh, là những người dẫn dắt bạn giác ngộ bản tính chân thật;
- Gọi là ma quỷ, là những gì sai khiến bạn bành trướng tự ngã của mình.
- Gọi là đích thực an bình, chính là khi bạn biết Gọi Chính Mình trở về trong cõi lòng thanh tịnh, trong sáng bản nhiên.


8 thg 3, 2018

Nghĩa nào cho một từ "Nghe" ?



          Nghe là từ liên quan đến tai, một trong năm giác quan của con người. Đơn giản nhất, nó thường làm động từ trực tiếp cho chủ thể :
                    « A lô tôi nghe đây ! » (Đời thường) hay :
                    « Tôi nói , đồng bào nghe rõ không ? » (Hồ chủ tịch)
Đôi khi đối tượng nghe không là tiếng dễ nhận biết nữa mà tinh tế hơn thì nghe vẫn hàm nghĩa ấy :
                    « Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng »       
                                                          (Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm)
Trường hợp này, dường như đã có vai trò thẩm cảm khác hỗ trợ để nhận biết đầy đủ hơn rồi đó. Hơi sương quá mỏng manh, quá nhẹ nên chỉ nghe bằng tai chắc gì đã thấy. Phải cảm cái lành lạnh qua làn da, cái mờ đục qua mắt nhìn nữa mới xong. Nhưng vẫn là nghe thôi, vậy thì cả xúc giác và thị giác đều nghe rồi còn gì !
Trong bài thơ dài của Tố Hữu có đoạn viết :
                    « … Đã nghe nước chẩy lên non
                    Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
                    Đã nghe gió ngày mai thổi lại
                    Đã nghe hồn thời đại bay cao… »
Nghe nước chẩy, nghe đất chuyển có thể chỉ bằng thính giác chứ nghe Gió ngày mai, Hồn thời đại liệu có phải như vậy không ? Phải bằng việc tổng hợp, nhào nặn của ý thức rồi đó. Nghĩa là vận dụng cả não bộ để nghe.
Ở khổ thơ sau :
                    « … em không nghe mùa thu
                    Dưới trăng ngà thổn thức
                    Em không nghe rạo rực
                    Hình ảnh kẻ chinh phu
                    Trong lòng người cô phụ… » (Lưu Trọng Lư)
Ta thấy có cả trái tim tham gia vào việc nghe nữa đấy. Bởi nghe Mùa thu thổn thức, nghe lòng người cô phụ rạo rực thì ý chí cũng đành bó tay !
          Một từ nghe đơn giản mà sao rộng dài làm vậy. Nó luồn lách vào mọi ngõ ngách của sự việc. Nó thẩm thấu trong mọi tinh tế của suy tư. Mới hay chữ nghĩa đa đoan khôn lường !





 


1 thg 3, 2018

Đời chữ



Con đò ấy
Một thời lửa cháy
Dòng sông trong veo
*
Trang giấy trắng
Vẽ nắng ?
Vẽ mưa ?
  * 
Chữ lạc dòng
Nghĩa long đong
Đâu quả ngọt ?
*
Lưng nhoài cõng sách
Chân xải bước nhanh
Nụ cười mắt xanh
*
Nhớ thày Chu Văn An
Dâng một nén nhang
Tạ tội !