30 thg 4, 2020

Xé vụn - Cuộc ú tim




Không thể phủ nhận một số khởi sắc của ngành giáo dục Việt Nam gần đây. Đó là những mũi nhọn về bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, về một số trường đại học, dậy nghề vươn lên nhập tốp thế giới. Nhưng về bình diện toàn cục, chưa thấy tín hiệu nào đáng mừng. Đó là chất lượng đội ngũ giáo viên về cả tri thức, kỹ năng lẫn đạo lý. Đó là tính thiếu nhất quán trong nội dung chương trình, trong chính sách đãi ngộ với người thày. Những tiêu cực trong tuyển chọn, thi cử đã làm cho cái cao quý của đội ngũ trồng người rơi xuống gần số không!
     Hiện nay ngành giáo dục dang loay hoay với việc lựa chọn sách giáo khoa lớp một, nơi khởi đầu cho việc lần lần thay đổi chương trình toàn cấp học phổ thông. Ngay từ khi hội đồng thẩm định quốc gia chọn ra năm bộ sách khả dụng đã thấy sự lùm xùm giữa những cái đầu được coi là thông tuệ nhất về giáo dục trong cả nước rồi. Bây giờ là việc từng địa phương tổ chức lựa chọn cho mình bộ sách thích hợp nhất để học sinh học. Mới nghe, thấy hình như đây là việc làm nâng cao tính tự chủ, phát huy quyền dân chủ, tính nhân văn cho một bước đi mới nhưng liệu có được như thế chăng? Việc làm này giống như đưa sự lựa chọn đứng trong một khu rừng không dấu chân. Người lựa chọn rất đa dạng, bao gồm từ phụ huynh, học sinh đến giáo viên. Đối tượng để lựa chọn có đến năm bộ sách mà bộ nào cũng là tinh hoa của trí tuệ cả. Hãy tưởng tượng chỉ có hai bộ sách với hai người chọn thôi, chưa chắc đã có sự thống nhất. đường này với chừng ấy đối tượng và sự lựa chọn, tình trạng sẽ ra sao? Được cái, việc chốt lại là một cuộc bỏ phiếu nên thế nào rồi cũng xong.
     Nếu coi các bộ sách được duyệt chọn đều là ưu việt cả thì tại sao không chọn lấy một ngay ở nơi tập trung tinh hoa, nơi định hướng đi cho ngành giáo dục nhỉ? Việc để các địa phương lựa chọn chắc chắn sẽ dẫn đến không thống nhất về chương trình, từ đó dẫn đến không thống nhất về chất lượng, thời gian và sự đánh giá kết quả dậy cũng như học. Nền giáo dục ở nước ta từ thời thuộc Pháp đến nay vẫn có truyền thống lấy một chương trình, một sách giáo khoa làm sợi chỉ xuyên suốt đó thôi. Việc làm như hiện nay chập chờn do nơi sự thay đổi thiếu chín chắn cứ không phải vì chỉ có một bộ sách dùng thống nhất. Làm như thế có phải là thể hiện một sự thiếu tự tin của cơ quan giáo dục cao nhất không? Có vẫn lãng phí khi mà các địa phương năm sau lại chọn bộ sách khác để bỏ đi một lượng sách chỉ sử dụng một lần mà ta đang muốn khắc phụ để tránh lãng phí không? Thử hình dung đến lúc cả khối học phổ thông đều phải thực hiện lựa chọn như thế này thì sự rối rắm sẽ đến mức nào? Một số nước cũng thực hiện việc “thả nổi” nội dung dậy mà chỉ chốt lại ở hiệu quả của việc học nhưng không làm giống ta. Vả lại họ có bề dầy kỹ năng và kinh nghiệm từ rất lâu rồi nên việc làm ấy cứ trôi chẩy như một dòng nước tự nhiên vậy. 
     Nhân ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà hiện nay, dựa vào tình thế bất thường này, đã manh nha một việc “xé vụn” nữa. Chia năm học thành bốn học kỳ! Nếu việc đó được quyết, ngành giáo dục sẽ không kịp thở để giải quyết những việc mỗi đầu và cuối kỳ sinh ra. Học sinh sẽ gần như quanh năm phải tham gia đánh giá (Dù không coi là thi đi nữa), tạo nên sự căng thẳng không cần thiết. Mà xét cho cùng, việc làm này mang lại hiệu quả gì hơn cho dậy và học? Học sinh sẽ không còn kỳ nghỉ dài hơi để tham gia vui chơi hay rèn luyện kỹ năng sống một cách đàng hoàng. Phụ huynh sẽ khổ sở khi phải xé vụn việc thu xếp suốt quanh năm trong những thời gian con em không đến lớp để được nhà trường quản lý.
     Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay không tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như đã quen làm những năm gần đây và được ghi nhận là hiệu quả. Việc chỉ tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp, các trường đại học và dậy nghề tự tuyển chọn cũng là một cách “xé vụn”. Sẽ có nhiều kỳ thi tuyển hoặc cách xét tuyển do các trường tiến hành theo cách riêng. Từ đó dẫn đến rất tốn kém cho nhiều cuộc thi, cho việc học sinh phải dắt díu đi lại để thi tại nhiều trường và hơn hết là sự vênh lệch cho chất lượng đầu vào của các trường. Biết rằng với hoàn cảnh đặc biệt của năm học này nên chất lượng và ngay cả số lượng kiến thức của học sinh bị ảnh hưởng nhưng việc tổ chức thi như mọi năm có gì trở ngại đâu. Trong phạm vi kiến thức đã hạn chế vẫn có thể phân loại phần tốt nghiệp và phần tuyển chọn vào đại học, chuyên nghiệp bằng một cuộc thi tuyển chung kia mà.
     Vẫn tin vào nơi những cái đầu sáng suốt đang muốn làm mới ngành giáo dục nước ta. Cũng vẫn e về những bước đi còn đang “mắc tóc” khi bước vào đoạn đường mới này. Và vẫn chờ một cuộc bứt phá ngoạn muc, ngõ hầu ngành giáo dục nước ta sánh vai cùng bạn bè trên thế giới.



25 thg 4, 2020

Khúc Tháng tư




Vòm phượng biếc chong chờ hoa cũ
Đóa ly xanh gói ủ hương xưa
Yêu thương biết mấy cho vừa
Đa đoan nhung nhớ giao thừa buồn vui !




20 thg 4, 2020

15 thg 4, 2020

Dự báo thời tiết





Thiết tưởng mọi đài phát thanh và truyền hình trong nước đều sử dụng dữ liệu thời tiết từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương để thông tin. Và như vậy thiết tưởng các số liệu thông báo phải giống nhau cho một ngày về một địa phương. Thực trạng lại không như thế. Chỉ đơn cử hai nhà đài VTV (Đài truyền hình Việt Nam) và TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam) dự báo cho thành phố Hà Nội thôi cũng thấy ngay hầu như không có ngày nào số liệu giống nhau. Có nhiều trường hợp sự khác biệt ấy lên tới 4 độ C. Tại sao lại có sự chênh lệch ấy? Ôi, những con số. Biết gửi tin vào đâu đây? Ai biết rõ nguồn cơn sự việc xin làm ơn mách giùm!                                               
     (Xin mời kiểm chứng bằng bản tin buổi sáng từ 6 giờ. TTX thường báo trước)



10 thg 4, 2020

Huế nhớ










Huế nhớ
       


Tạ từ Núi Ngự Sông Hương
Nụ cười gửi lại vấn vương mang về
                          *
Hẹn lòng thỏa nỗi đam mê
Bước chân lãng đãng theo về ngày vui
Lắng trầm chi rứa Huế ơi
Trăm năm vẫn rạng một thời vàng son
Bể dâu mấy cuộc vuông tròn
Vẫn còn đây, Huế vẫn còn Huế đây
Ngập ngừng cửa điện đường mây
Để nhìn trong suốt những ngày Huế xưa
Tiếng ngựa xe bóng kiệu cờ
Cửu trùng còn đó, chuyện thơ vẫn còn
Tượng bia mưa đẽo chẳng mòn
Đường gân vẫn tỏ nét son chưa nhòe
Xanh nhiều chi những hàng me
Cho dòng sông nhận bóng về làm trong 
Lời chào thoang thoảng hư không
Nhẹ nhàng gió lướt mỏng mong hương trời
Nón che nghiêng sáng mặt người
Thắm trong vành nón nụ cười tím mơ
Chuông chiều Thiên Mụ xa đưa
Ngân nga như tự ngàn xưa vọng về
Mái cong rợp bóng bồ đề
Tháp cao chất ngất mây che gió lùa
Nắng thơm cau nở sớm mùa
Vườn xanh Vĩ dạ chân đưa ngập ngừng
Hàng cây tán lá rưng rưng
Nét xưa hòa quyện trong từng dáng nay
Phải em Thôn Vĩ là đây
Mà ta lãng đãng mê say mấy thời
Chỉ là để biết em ơi
Ngày đâu dài để lắm lời hỡi em
Một đêm bằng biết bao đêm
Giọng hò tha thiết phủ mềm sông trăng
Khuôn thuyền lồng lộng gương hằng
Vô mà chưa tỏ cầm bằng chưa vô
Thuận an biển sóng lô xô
Khơi lòng ai sóng vỗ bờ yêu thương...
                          *
Tạ từ Núi Ngự Sông Hương
Nụ cười gửi lại vấn vương mang về












5 thg 4, 2020

Trần Nhân Tông





Lúc xông pha trận mạc
Hoàng bào rạng rỡ chiến công
Khi lên núi tĩnh lòng
Phật bào lung linh Vầng Đạo
Một thể phách
Rực ngời hai sắc áo
Hai đỉnh cao vời vợi
Hai vua