30 thg 12, 2019

Xin làm quảng cáo





-             A : Chào chị ! Hôm nay có điều gì vui mà nom dung nhan tươi tỉnh thế ?
-        B : Diễn tí thôi, vui vẻ gì đâu ! Suốt từ sáng, gõ cửa mấy hãng quảng cáo thuốc đánh răng mà họ đều lắc đầu từ chối !
-        A : Vậy giống hệt tôi rồi. Tôi xếp hàng ở văn phòng hãng quảng cáo dầu gội đầu, đến lượt mình, họ cười khẩy rồi vẫy tay chỉ về phía cửa. Tức không chịu được !


20 thg 12, 2019

Giáng sinh đêm thức




Sương buông trùm đêm phố lạnh
Mái Thông lấp loáng sao rơi
Đèn khuya khơi ánh mắt vui
Nhịp bước phố đêm dìu dặt

Giáo Đường vời cao ngút mắt
Lung linh Cứu Thế lòng lành
Nhiệm mầu Giọt Thánh long lanh
Ngẩn ngơ Thiên Đường mờ tỏ

Thánh ca ngọt ngào hơi thở
Ngân nga tiếng hát Đồng Trinh
Ru xa cùng giấc mơ xanh
Dâng lòng về Miền Đất Hứa

Chuông nguyện giong từ Nước Chúa
Thức chong mắt sáng Con Chiên
Tạnh lòng trong cõi an nhiên
Jesus ma con ngoại Đạo !



30 thg 11, 2019

Thu đi rồi em ơi





Thu đi rồi em ơi!
Sắc vàng phơi tán lá
Buồn hoang dâng mắt lạ
Mênh mông lạnh cuối trời

Thu đi rồi em ơi !
Đông theo về nhanh quá
Ngại ngần hơi sương giá
Hoàng hôn lòng , chơi vơi.

Thu đi rồi em ơi
Người về may áo cưới
Xui ai lòng chan tưới
Ức niệm xanh xa vời

Thu đi rồi em ơi
Chút gì còn vương vãi ?
Ai giùm ta víu lại
Những vần thơ tướp tơi !



19 thg 11, 2019

Tháng Mười một



Tháng Mười Một trời không cao nữa
Gió mềm hơn quấn quýt theo chân
Nắng se lại quên ngày vãi lửa
Mưa rơi rơi điệp khúc trong ngần

Tháng Mười Một gọi miền nhung nhớ
Mái trường xa những nẻo trời quê
Những ánh mắt trang đời ngỏ mở
Nối nhau từ thăm thẳm theo về

Tháng Mười Một mùa hoa đời chữ
Nửa chữ ngày gieo nở thắm trời
Hoa láng tươi mặt cười rạng rỡ
Hoa trao tay thơm ngát hương đời

Tháng Mười Một ngày vui gõ cửa
Có người ngồi nhớ đến con đò
Lòng sống lại một thời hoa lửa
Và bời bời muôn nỗi âu lo               

30 thg 10, 2019

Ngày trở lại



Con thác nói gì
Dòng rơi trắng xóa
Nửa thế kỷ gặp lại nhau quen lạ
Một nửa dòng trôi nước chảy khác màu
Chuyện của một ngày
Chuyện của muôn sau!

Đôi mắt nói gì
Ánh chàm ngăn ngắt
Năm mươi năm vẫn nụ cười trong vắt
Tính tẩu ngày vui bụi phấn men say
Nửa chữ trao đời
Đời chắp cánh bay! @,#



30 thg 9, 2019

Thu






Cứ ngóng đợi về mùa thu năm trước
Để tắm mình trong ánh mắt thu xưa
Đã nắng mật, heo may dung dẻ bước
Nhưng hình như sắc lá đổ sai mùa !


9 thg 9, 2019

Thảnh thơi




Nhón tay ăn vã thời gian
Nghiêng vai quẳng gánh đa đoan xuống hồ
Ủ men nhung nhớ thơm vò
Ngả lưng chân duỗi chân co ngắm giời



30 thg 8, 2019

Nên chăng tùy tiện với thơ !



          Tưởng chừng chuyện cấu trúc của một phiến khúc thơ Haiku đã ngã ngũ; đó là việc thống nhất cho rằng khúc thơ gồm ba ngắt ý (hay ba hình ảnh). Mọi người đã đọc thấy thế, viết như thế và tạo nên không biết bao nhiêu bài thơ, trong đó có nhiều bài được cho là hay. Thực ra chưa có cuốn sách hoặc bài viết nào khảng định khuôn mẫu ấy cả; chỉ là người làm thơ tự tìm, tự phân tích thấy để mà làm theo. May mắn trong quá trình tìm tòi, có những cơ hội để những người viết thơ Haiku coi là điểm tựa cho niềm tin khi cầm bút viết. Đó là khi đến dự tọa đàm thơ Haiku lần thứ nhất do CLB thơ Haiku Hà Nội tổ chức, ngài chủ tịch WHA Ban'ya Natsuishi có nhận xét về  khúc thơ của một hội viên CLB là mới có hai ngắt ý. Điều này đủ thấy yêu cầu cần ba ngắt ý cho một khúc thơ. Lại nữa, trong nhiều buổi tiếp xúc với nhà văn, dịch giả Nhật ngữ, nhà nghiên cứu thơ Haiku Nhật Chiêu (kể cà trong hội nghị lẫn khi trà dư tửu hậu), ông đều khảng định việc có ba ngắt ý trong một phiến khúc Haiku; thậm chí ông còn nhấn mạnh rằng các ngắt ý này “Ướp hương” cho nhau để tạo nên linh hồn cho khúc thơ.
          Gần đây xuất hiện một quan điểm mới về cấu trúc thơ Haiku; đó là khúc thơ chỉ có một câu, viết thành ba dòng và do đó chỉ viết hoa đầu câu, tức là chữ đầu dòng thứ nhất! Xin hãy đọc lại các bài thơ Nhật Bản (Kể cả cổ phong lẫn hiện đại) và đọc lại các khúc thơ được coi là thơ Haiku do người Việt Nam viết xem có bài nào là một câu không ? Lấy mấy khúc thơ (tốt nhất là khúc thơ được giải trong các cuộc thi) rồi viết trên một dòng xem nó có là một câu không nhé.

Xó chợ                                                                                                                                              Chiếc lon trống                                                                                                                                 Hạt mưa mồ côi                (Nguyễn Thánh Ngã)
          Xó chợ chiếc lon trống hạt mưa mồ côi

Quả mướp dài                                                                                                                   Con ong vụt đến                                                                                                               Đâu người tình xưa         (Tôn Thất Thọ)
          Quả mướp dài con ong vụt đến đâu người tình xưa

Mông lung đêm dài
Chợt vang gà gáy
Ô kìa ban mai                 (Lê Đình Công)
          Mông lung đêm dài chợt vang gà gáy ô kìa ban mai

Cành đào soi bóng trăng
Ngỡ mồi
Con cá đớp                    (Đỗ TuyếtLoan)
          Cành đào soi bóng trăng ngỡ mồi con cá đớp

Chiếc quạt mo
Âu yếm tấm thân tôi mệt mỏi
Làn gió thời ấu thơ       (Lê Văn Truyền)
          Chiếc quạt mo âu yếm tấm thân tôi mệt mỏi làn gió thời ấu thơ
Vậy đó, khi ta “hoàn nguyên” ba ngắt ý, viết chúng liền nhau trên một dòng, thử hỏi đó là một câu ư? Những nhà ngôn ngữ học tài ba cũng chẳng hiều được đó là câu kiểu gì trong ngữ pháp Việt.
          Ba ngắt ý của khúc thơ như đã biết, có thể viết trên một dòng và dùng dấu / phân cách; cũng có thể viết trên ba dòng như ta thường làm. Theo thói quen viết chữ Việt, mỗi khi chấm xuống dòng đều phải viết hoa chữ đầu dòng. Nhưng khi đã chấm xuống dòng có nghĩa là đã đủ một câu; trường hợp ba ngắt ý lại chính là ba câu như khúc thơ sau rất hiếm gặp và bắt buộc phải viết hoa chữ ở mỗi đầu câu.
Cá xuống nước.
Mây về trời.
Ta thả ta vào chân không !   (Thiện Niệm)  
Trong chữ viết của Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc và cả chữ Nôm của ta nữa vì không có ký tự hoa nên miễn phải bàn dù trình bày thơ theo kiểu nào. Các nước Âu Mỹ họ viết hoa chữ đầu của dòng đầu cũng nên tìm hiểu xem vì sao lại thế. Với chữ Việt, ta cần thống nhất một cách hợp lý để tránh sự tùy tiện. Nên chăng cứ viết hoa cả ba chữ đầu dòng theo thói quen ? Nên chăng không viết hoa chữ đầu dòng nào vì ba ngắt ý có vai trò như nhau ? Không thể chỉ viết hoa chữ đầu cùa dòng trên cùng vì ý thức rằng đây là chữ đầu câu (mỗi bài thơ là một câu) hoặc vô thức rằng Phương tây viết thế, ta cũng viết cho giống họ. Nếu vậy vô hình chung ta đã bất bình đẳng với các ngắt ý rồi đó; điều này ngược với tính vô sai biệt của Haiku. Trong tập thơ Mười hai năm ấy đã viết tất cả mọi bài thơ theo cách này, liệu có chủ quan không ?
Xét cho cùng, cách viết hoa dù làm theo kiểu nào cũng không ảnh hưởng đến nội dung bài thơ, không làm thơ hay thành dở hoặc ngược lại. Có điều viết thế nào cho hợp lý, mang tính khoa học của ngôn ngữ, chứng tỏ sự hiểu biết của người cầm bút thì bài thơ chẳng những hay mà còn đẹp nữa.







  

10 thg 8, 2019

Về Sầm Sơn





Tôi về Sầm Sơn đếm sóng
Lừng lững khơi xa xanh mọng
Ào ào trắng xóa bãi dài
Thơm như hơi thở bờ vai

Tôi về Sầm Sơn đếm cát
Vẽ trái tim si say khát
Xây lâu đài giữa trống hoang
Bâng khuâng bóng nước dã tràng

Tôi về Sầm Sơn đếm gió
Đại dương giăng thảm màn xanh
Sông Mã phơi phơi ráng đỏ
Mắt vui phố biển chao cành

Tôi về Sầm Sơn đếm nhớ
Nào đâu bước cát dấu chân
Và đâu bờ thông lối gió
Rơi rơi giọt giọt trong ngần

20 thg 7, 2019

Trăng




Đỉnh núi
Phương trời
Lặng lẽ trăng bơi
Đường khuya vắng
Trăng lồng bóng
Lang thang
  * 
Tựa gốc đa
Chú cuội già
Tìm câu nói
Trong cung quế
Nhìn trần thế
Chị chỉ cười
Rượu vơi  
Trăng rơi
cạn


10 thg 7, 2019

Chơi thơ




          Chơi thơ là một trong các thú tao nhã của những người thơ. Thú chơi này được dùng cả khi thưởng thức và sáng tác. Lúc thưởng thức, không chỉ đọc thơ bằng mắt, đọc thành lời mà còn ngâm, còn diễn. Không chỉ viết lên giấy bằng những nét thường mà còn cách điệu thành ra bản thư pháp, tạo hình cho con chữ làm nên bức thư họa. Bài thơ viết xong còn thả lên trời, treo lên cành để hái hay phổ một giai điệu phù hợp để kết thành lời ca… Còn khi sáng tác cũng có nhiều cách chơi. Nối thơ, họa thơ thường được dùng thể hiện sự đồng cảm. Phá cách, nghịch cách hay dùng khi muốn gây chú ý. Viết tự do, viết như văn xuôi để thỏa mãn một tư chất phóng khoáng. Riêng đối với thơ Đường luật, cuộc chơi thật lắm công phu. Vẫn niêm luật, vần đối ấy nhưng gần như thi nhân còn muốn cầu kỳ hơn, nâng tầm tài nghệ và tri thức bằng các lối viết siêu đẳng, tạo ra nhiều hình thức lạ như  Liên hoàn, thuận nghịch độc, thủ vĩ ngâm, thủ nhất thanh, thủ nhất tự, tung hoành trục…
          Thơ Haiku có thể chơi được chăng? Xin thưa là được và đã có chơi rồi đấy! Việc không dùng quý ngữ, viết thơ có vần có điệu, cho tính từ xuất hiện trong thơ, đặt tiêu đề cho một chùm thơ …chẳng phải là chơi đó sao bởi lẽ người Nhật đâu có làm thế.  Nhưng nếu mãi chỉ có thế cũng chưa đủ làm nên tên gọi “Haiku Việt” mà nhiều người đang dùng hiện nay ngộ nhận. Xin mạo muội đưa ra một cách chơi để thăm dò dư luận. Nhiều Haijin Việt đã viết thơ Haiku thành chùm và đặt tiêu đề cho nó. Kể qua vài tên tác giả như Vũ Tam Huề, Nghiêm Xuân Đức … làm dẫn dụ cho những người có lối chơi này. Những phiến khúc thơ trong chùm không liên quan với nhau trong một kiến trúc nhưng cùng nói về một chủ đề. Chúng “ướp hương” cho nhau thể hiện một ý tưởng trọn vẹn. Chẳng hạn chùm thơ  “Đời” của Lý Viễn Giao :
               Cánh mỏng
               Lưng trời
               Mắt xa khơi
                         *
               Hương sen bện khói
               Một tách trà
               Một tiếng khà
                         *
               Gió mành thầm thì
               Cơn mơ bỏ đi
               Đêm trắng
                         *
               Hun hút đường xanh
               Gió độc hành
               Lối cũ
                         *
               Tựa lưng ghế đá
               Nhìn xuyên kẽ lá
               Mặt trời lung lay
Còn  đây là một Liên khúc Haiku, nó cũng bao gồm nhiều phiến khúc, các phiến khúc  dắt tay nhau để cùng đặt chân lên miền cảm xúc của một người đi xa trở về ngôi trường cũ thân yêu. Khi ghép liền kề nhau những đoản khúc này ta sẽ nhặt được một bài thơ hoàn chỉnh.



30 thg 6, 2019

Mùa hè



Những đóa sen hồng
Mượn gió bờ sông
Ướp thơm nắng sớm
Chạy suốt đường me
Lời ve
Say nắng
 * 
Cánh phượng bên song cửa
Thắp lửa
Chong mắt mùa thi
Gió rung tán lá
Quả trứng rơi
Mặt trời
 *
Biển nghiêng mềm sóng
Nước chuốt mịn da
Giao thoa .


20 thg 6, 2019

Giảm quấy rối



-         Xin hỏi bạn câu này và hãy trả lời thật lòng nhé ?
-         Gì mà vòng vo Tam quốc làm vậy bạn ?
-         Có những biện pháp nào giảm thiểu được tình trạng quấy rối phụ nữ như hiện nay ?
-         Có nhiều và một trong số ấy là phái yếu không nên làm đẹp một cách cực đoan ! 
-          ?!  
 


10 thg 6, 2019

Bướm



Hoa rủ rê
Đôi bướm trắng
Quên đường về
*
Cô bé thò tay
Cặp bướm vàng bay
Bầu trời trong vắt
 *   
Hai bím tóc rung
Hai chú bướm hồng
Theo vào lớp học
*
Vạt cỏ ven đê
Lững thững trâu về
Bướm dăng kín lối
*
Trang giấy học trò
Đôi cánh bướm khô
Dính đầy mực tím