30 thg 12, 2022

                              Số 7 diệu kỳ


    5. Bảy thiên thể này tương ứng với bảy ngày trong tuần là :
1, Sunday - Chủ nhật
2,
Monday - Thứ hai
3, (Pháp) Mardi - Thứ ba
4, (Pháp) Mercredi - Thứ tư
5, (Pháp) Jeudi - Thứ năm
6, (Pháp) Vendredi - Thứ sáu
 

7, Saturday - Thứ bảy

    6. Số 7 là một số nguyên tố (Prime number).
                           

   7. Tổng của 2 mặt đối nhau trên một quân xúc xắc chính cống là 7. Nói cách khác, không có 2 mặt nào trong số 3 mặt mà chúng ta nhìn thấy trên một quân xúc xắc có tổng bằng 7.



    8. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Kim Dung là "Lộc đỉnh ký" (1972). Nhân vật chính tên là Vi Tiểu Bảo - một anh chàng bất tài, văn dốt vũ dát nhưng lại có đến tận... 7 cô vợ đẹp như tiên. Bảy người vợ đó là :
1
, Song Nhi
2, Phương Di
3, Tô Thuyên
4, Tăng Nhu
5, A Kha
6, Tiểu quận chúa Mộc Kiếm Bình
                                                                                                          7, Kiến Ninh công chúa

    9. Lúc mới ra đời, Phật Tổ đã đi7 bước trên 7 đóa sen vàng.

25 thg 12, 2022

                                Ngoái nhìn 



Kể từ Trần Dần, Lê Đạt …, những người đặt viên gạch đầu tiên cho thơ Haiku bước vào đất Việt đến nay, thời gian cũng không gọi là ngắn nữa. Tiếp bước các ông, số người hưởng ứng kể như lá mùa thu. Phải đợi tới khoảng đầu thế kỷ hai mươi mốt, thể loại thơ mang tiếng khó tính này mới thức dậy mạnh mẽ, trở thành trào lưu, có sức cuốn hút cả người viết lẫn người đọc.

          Đầu tiên phải kể đến câu lạc bộ thơ (CLB) Haiku thành phố Hồ Chí Minh với sự dẫn dắt của chủ nhiệm Lưu Đức Trung. Ở đây tập hợp được đông đảo người tham gia có tiềm năng, đặc biệt là lực lượng trẻ. Cũng từ đây nhiều nội san, tập thơ cá nhân ra đời tạo sự chú ý của những người hâm mộ Haiku khắp nước. Khi đó, nhóm người yêu thơ Haiku Hà Nội sinh hoạt trong CLB thơ Bích Câu cũng gửi bài vào cùng góp mặt, góp lời như thể là thành viên vậy. Cũng từ câu lạc bộ này thúc đẩy mà những cuộc thi thơ Haiku với sự chủ trì cùa lãnh sự quán Nhật Bản kết hợp với chi nhánh báo Tiền phong Phía nam được mở ra đều đặn, ngày càng chất lượng. Đặc biệt hơn là sự thúc đẩy ấy mang lại chỗ đứng cho thơ Haiku, nó được đưa vào giảng dậy trong nhà trường phổ thông như mọi loại hình thơ khác.

Sau một thời gian ngắn, những haijin Hà Nội cũng tự thành lập câu lạc bộ riêng của mình, xuất bản nội san riêng và tìm hướng đi độc lập phù hợp với xứ sở. Hai CLB của hai thành phố lớn nhất nước vẫn giữ quan hệ trao đổi in ấn và kinh nghiệm sáng tác, hoạt động … với nhau để cùng hoàn thiện. Từ sau đại hội của hiệp hội Haiku quốc tế WHA mà chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh cùng phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Bình được mời tham dự tại Nhật Bản, CLB thơ Haiku Hà Nội và một số haijin được kết nạp vào hiệp hội này, hoạt động có chất lượng hẳn lên. Một phong trào sáng tác mới nở rộ với nhiều khúc thơ hay, trang lý luận sâu sắc. Sự kiện quan trọng nhất của giai đoạn này là việc tổ chức được một cuộc tọa đàm (thực chất là một hội thảo) quy mô lớn, nội dung phong phú với sự có mặt của chủ tịch WHA Ban’ya Natsuishi và nhiều đại biểu thơ văn, bạn bè tham dự. Đinh chủ nhiệm có khả năng thu hút và tập hợp nên không những các thành viên Bích Câu tham gia mà nhiều người từ nhiều ngành nghề xã hội cũng tìm về tạo nên một đội ngũ có năng lực đa dạng ngoài thơ. Những cây bút nhiều miền trong cả nước từ Bạc Liêu, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Bình đến Hải Phòng... lần lượt hội về làm cho CLB ngày càng phong phú màu sắc và đậm đà chất lượng.  

Nhận thấy nếu cũng chỉ gọi là thơ Haiku e dễ lẫn với thơ chính gốc của xứ Mặt trời mọc. Các CLB đã đổi tên gọi thành “Thơ Haiku tiếng Việt” rồi chốt lại là “thơ Haiku Việt” như bây giờ để khảng định đây là thơ do người Việt Nam viết trên đất nước mình. Tên gọi là vậy nhưng thực chất vẫn tuân thủ đầy đủ mọi tiêu chí và đặc thù của thơ Haiku gốc. Khác chăng là dựa vào xu hướng cách tân ở chính bản quốc mà cho phép giảm nhẹ sự bắt buộc quý ngữ, có sử dụng khéo léo phụ từ (đặc biệt tính từ) để làm lung linh hơn các hình ảnh trong khúc thơ.

Để phù hợp thị hiếu người Việt, thơ đã dần tự nó xuất hiện nhiều yếu tố mới về hình thức. Đó là vần điệu, là việc đặt tên cho một chùm thơ cùng chủ đề, là cách đặt ba hình ảnh của một bài thơ trên ba dòng ... mà thơ Nhật Bản không có.

          Từ hai CLB ở hai đầu đất nước, đến nay nhiều địa phương cũng đã hình thành CLB thơ Haiku Việt như thành phố Nha Trang, cố đô Huế, thành phố Hải Phòng. Riêng thành phố Huế đã có hai tổ chức độc lập, đó là CLB Haiku Xứ Huế và CLB thơ Haiku - Cố đô Huế. Mọi CLB đều hoạt động sôi nổi theo những cách riêng của mình. CLB haiku XHuế thường xuyên sinh hoạt bằng các buổi trà đàm và tích cực in ấn; đến nay đang chuẩn bị cho ra mắt tập thơ chung thứ ba mang tên “Khơi Nguồn 3”. Ở Hải Phòng lại rất chú ý đến việc tổ chức các cuộc thi thơ Haiku; tính đến nay đã mở được ba cuộc thi, cuộc thứ ba vừa tổng kết, trao giải vào trung tuần tháng mười hai. Với Hà Nội, một trong hai cái nôi của thơ Haiku lại có thế mạnh về tổ chức loại hình sinh hoạt mang tên gọi là “Hội ngộ Haiku” (thực chất là giao lưu). Việc này thường phối hợp với các CLB khác nên đã gây được sự chú ý và ấn tượng của đông đảo hội viên. Đáng kể nhất là các cuộc gặp gỡ tại Nha Trang, cố đô Huế và đất cảng Hải Phòng. Có một hoạt động khó xuất hiện ở các CLB khác, đó là chấm thơ. Ở đây đào tạo được một đội ngũ đông đảo giám khảo vững vàng, rất chuyên nghiệp. Họ đã chấm cho nhiều ngàn bài thơ dự thi của CLB bạn và của trẻ em hằng năm do sứ quán Nhật Bản tổ chức. Thật đáng khâm phục.

Không khó bắt gặp nhiều người làm thơ, thực chất là Haiku nhưng lại dùng cách gọi tên khác như “Thơ ba câu” của Mai văn Phấn, “Thơ một câu” trong ba tập Thiên – Địa – Nhân của Trần Phương. Lại có nhiều người làm thơ Haiku nhưng không tham gia trong CLB nào, số này ngày càng đông và thường xuất hiện trên mạng xã hội với tư cách cá nhân hoặc “Nhóm thơ Haiku”. Phải thừa nhận một số bài thơ của họ đã đạt tiêu chí và chuẩn mực của của thơ Haiku đôi khi còn hay nữa. Gần đây công chúng thưởng thức thơ Haiku cũng ngày càng đông đảo. Những khúc Haiku đăng trên Facebook nhận được sự chú ý bằng những nhận xét sắc xảo, sự đồng cảm và lời động viên thực lòng.

Trong quá trình sáng tác, nhiều haijin đề xuất những ý tưởng nhằm làm mới cho thơ khá lạ như “Thơ Haiku một hình ảnh”, “Thơ đôi”. Lại có đề xuất “chơi thơ” không phải bằng thư pháp mà bằng cách tạo ra chùm thơ Haiku có cùng chủ đề liên kết, phối hợp, bổ sung cho nhau tạo ra bài thơ lớn không phải là Haiku.     

Đại dịch thế kỷ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các CLB trong cả nước, việc sinh hoạt tập trung không tiến hành được, các cuộc giao lưu, tọa đàm đã lập trình phải hủy bỏ. Tuy thế, hoạt động sáng tác và in ấn dường như ít bị ảnh hưởng. Nhiều bài thơ vẫn đều đều xuất hiện đây đó, nhiều tập thơ vẫn ra mắt ngoạn mục. Những tập thơ dầy mỏng khác nhau của các tác gia Đông Tùng, Đinh Trần Phương, Phùng Gia Viên, Trần Phương… Các thi phẩm “Khơi Nguồn” của CLB Haiku Xứ Huế, “Ban Mai Xanh” của của các thi nữ cả nước… được coi như những liều vacine góp phần đẩy lùi đại dịch.

 

         Bằng chỗ đứng khác đi, dùng con mắt khách quan, cầu thị mà ngắm nghía khái quát cái quần thể Vườn thơ xanh tươi này, chưa thể không nhíu mày chút xiu. Nói không ngoa là mấy, thơ Haiku hình như đang bị thả nổi thì phải. Nhiều người viết theo phương châm “Dĩ đa vi tinh” chứ không “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” nữa! Duyên do là bởi người viết ít để ý đến cái khuôn mẫu chuẩn mực của thể loại thơ này nơi bản xứ của nó và những đổi trao xuất hiện trên các nội san, tọa đàm, trên mạng xã hội và trong bàn luận của các buổi sinh hoạt. Cứ mỗi ngày “mở” một chút, dần dần chẳng còn ra hình hài gì nữa. Hãy tạm quên đi cái vỏ mà đã có thời tranh luận như thể chuyện quan trọng, chẳng hạn “Thơ ba câu” hay “Thơ ba dòng”, xuống dòng có viết hoa không, viết liền một mạch hay dùng dấu ngăn cách (/), dòng để phân biệt các ngắt ý… Hãy tạm quên đi hình thù cái chai mà phải cùng nhau tạo ra loại rượu ngon mang hương vị của cả Sake và Quốc lủi.

May thay, số người đứng vững cả hai chân trên thơ Haiku, cần mẫn tìm tòi như những con ong làm mật không phải là hiếm. vì thế người đọc vẫn được thưởng thức hoa thơm trái ngọt từ vườn thơ này.

 

Xó chợ

Chiếc lon bỏ trống

Hạt mưa mồ côi.          (Nguyễn Thánh Ngã – Lâm Đồng)

 

Về thôi

Bờ sông níú gió

Chân trời níú mây.       (Lương Thị Đậm – Nha Trang)

 

Tuổi học trò

Tròn vo

Trái sấu.                       (Nguyễn Hoàng Lâm – Hà Nội)

 

          Nên chăng bên cạnh việc làm thơ, những người đang cầm bút, những tổ chức thơ Haiku hãy mở nhiều cuộc bàn luận, thậm chí tranh luận rồi chấp nhận một khuôn mẫu với các tiêu chí đầy đủ, rõ ràng cho một khúc thơ Haiku Việt. Nên chăng thơ Haiku Việt phải có chỗ đứng xứng đáng trong vườn thơ Việt, trong nền văn hóa Việt để cùng tỏa sáng tâm hồn Việt trong đời sống cộng đồng.

 

           

 

                       

 

 

 

         

  

 


20 thg 12, 2022

                                Chiếc vỏ ốc



Chiếc vỏ ốc

Nằm nghiêng trên bờ cát

Ngày đêm ca hát

bằng lời gió vi vu

Hát về những ước mơ

của những ngày ốc còn cười nói

Về những hốc đá cao từng leo tới

Về rạn san hô cổ tích dưới lòng sâu

 

Chiếc vỏ ốc

Chứng tích thời gian gửi lại

Còn lưu tồn mãi mãi hình hài

của những tháng năm

Về nước rút cùng triều dâng

Về bình yên và sóng đổ

 

Chiếc vỏ ốc

Vẫn nằm nghiêng trên bãi đó

Mơ một ngày đẹp trời

Có chàng Cua ẩn sĩ rong chơi

Nhận làm lâu đài di động

Nó lại như được sống

Và hát

và đi

Hát về những ước mơ diệu kỳ ít ai hiểu nổi! 

15 thg 12, 2022

                         Số 7 kỳ diệu

1. Bảy chú lùn trong truyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" làm việc ở mỏ kim cương và có tên tiếng Anh là :


 




1. Dopey (lơ mơ, thẫn thờ)
2. Bashful (rụt rè, xấu hổ)
3. Sneezy (hắt hơi)
4. Sleepy (ngái ngủ)
5. Happy (vui vẻ)
6. Grumpy (gắt gỏng, cục cằn)
                                                                                                                     7. Doc (thầy thuốc)

2. Có bảy "lỗ" trên đầu là :
- 2 mắt
- 2 lỗ mũi
- 2 lỗ tai
- 1 (lỗ) miệng

3. Chiến thắng lớn nhất trong trò quay số Slot Machinelà 777 (đôi khi là 77777).






4. Bảy thiên thể (sao, hành tinh, vệ tinh,...) mà mắt thường có thể nhìn thấy trong Hệ Mặt Trời là (bắt đầu từ số 1 trên cùng, đi theo đường xiên phải xuống phía dưới) :





1, Sun - Mặt Trời
2, Moon - Mặt Trăng
3, Mars - Sao Hỏa
4, Mercury - Sao Thủy
5, Jupiter - Sao Mộc
6, Venus - Sao 
Kim
 7, Saturn - Sao Thổ

 

10 thg 12, 2022

                                 Sợi thơ 

 

Tôi gặp anh lần đầu trên Thơ, thơ Haiku. Một Hai jin sáng danh trong câu lạc bộ của Thành Bác. Phải đến khi tham dự buổi sinh hoạt cùng anh ở cà phê Viễn xưa mới mục sở thị con người điển trai, phong nhã và thông minh ấy.

Anh có bút danh Đông Tùng và pháp danh Thích Minh Cần. Một con người sống tốt đời, đẹp đạo; trên lĩnh vực nào anh cũng giữ được sự cân bằng trên từng bước đi của mình. 

          Với pháp danh thượng tọa, anh là một nhà sư mẫu mực, lớp lớp tín đồ và môn đồ kính trọng. Anh hoạt động tích cực trong công tác xã hội với vai trò thành viên ban trị sự phật giáo thành phố. Qua những lần ghé chùa Huệ Nghiêm thăm anh, tôi đã trực kiến nét sống cân bằng đời đạo ấy trong trai phòng, trong nếp sống và quan hệ với chư tăng, phật tử, môn sinh của anh. Vì tránh lộng ngôn, tôi không muốn gọi anh là nhà thơ hay thi sĩ mà chỉ nhẹ nhàng thân mật kêu tên Người thơ, Thi nhân thôi mặc dù thơ anh rất đáng nể trên thi đàn. Anh đi cân bằng trên hai lĩnh vực thơ tự do và thơ haiku; anh có phong cách riêng trong việc thể hiện thơ Haiku trên thư pháp. Trong thơ anh thể hiện rõ mồn một cả tình đời với nghĩa đạo. Mẹ, quê hương và trà luôn là những hình ảnh đậm nét. Đôi khi bóng dáng người em gái cũng xa xăm, mơ hồ thấp thoáng đâu đó làm tươi thêm nét thơ mà anh cho là cái chung của tình người trong mọi chúng sinh. Anh đã đáp nghĩa cho các đấng sinh thành và quê hương bằng hai học vị cử nhân với thạc sĩ.

 

Xin bình yên cơn gió

Để cung đàn ngân nga

Như lời ru của mẹ

Nửa đời chẳng phôi pha

 

Xin bình yên sợi nắng

Cho hương về nơi đây

Mồ hôi cha rụng xuống

Làn tóc con xanh dài … (Niệm bình yên)

 

Mưa…

Thấm lạnh vần thơ nhỏ

Thấm lạnh cả con tim

Chiếc ô hồng trước ngõ

Hạnh phúc ai đi tìm … (Viết cho ngày mưa)

 

… …

Chén trà trong tỉnh thức

Dâng đấng đại bi từ

Xin một lần vong ngã

Bước vào miền vô dư. (Trà đêm)

 

Tiếng chuông ngân nga

Cõi lòng phiền muộn

Chợt nở ngàn hoa.

 

Tiếng chuông chùa rơi

Bữa cơm mẹ nấu

Ngọt vị mồng tơi.

 

Đôi vần thơ ấy chỉ là điểm xuyết để minh chứng. Trong nhiều nhiều bài thơ khác của nhiều tập thơ, Đông Tùng đều không đi chệch cái mạch chẩy xuyên suốt của mình. Chấp bút đôi điều về thượng tọa thi nhân này, đầu tôi cứ thấp thoáng lời thơ nối điêu của sư Pháp Thuận khi giả làm lái đò chở sứ nhà Tống Lý Giác trong hai câu cuối của bài thơ “Đôi ngỗng” nổi tiếng xưa ngày.

 

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba

 

          Nhân chuyến công du lần này, thượng tọa thi nhân thu xếp cuộc gặp gỡ sau hơn mười năm ra xứ Bắc. Vẫn dáng dấp ấy, đôi mắt ấy và tình cảm nồng thắm ấy, chúng tôi sống lại những cuộc thơ, cuộc thăm đã có cùng nhau từ buổi một hai. Tôi tự hỏi cái gì đã gắn kết những con người khác nhau về tuổi tác, tín ngưỡng, xứ sở… để trân quý nhau đến thế. Chợt nghĩ đến sợi Tơ hồng mà Ông tơ Bà nguyệt dùng để se duyên đôi lứa, tôi trộm nghĩ ra một thứ sợi nghe hơi lạ tai nhưng rất hợp với chúng tôi: Sợi thơ!

 





5 thg 12, 2022

                              Mùa đông ấm




Đêm qua gió lạnh về

Vi vút ngoài song cửa

Đêm nằm nghe gió thở

Ấm tròn trong chăn êm

 

Sớm nay bước qua thềm

Hơi thở mờ sương khói

Thì thầm câu chào hỏi

Ấm ran tận đáy lòng

 

Nụ cười trong mắt trong

Xuyên màn sương buốt lạnh

Có gì như lửa ánh

Ấm nồng trái tim vui

 

Nghiêng vai chen mưa rơi

Bàn tay vương lạnh giá

Nghe râm ran ấm tỏa

Từ lòng tay bạn bè

 

Ai lo mùa đông về

Khép lòng che chắn gió

Ta thả tình buông ngỏ

Ôm mùa đông trong tay.