7 thg 8, 2014

Phân biệt ngày Xá tội vong nhân và lễ Vu lan




Cả hai lễ này đều được tổ chức vào cùng ngày rằm tháng 7. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn, còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.
Tháng 7 âm lịch nói chung và rằm tháng 7 (tết Trung Nguyên) là một trong những tháng lễ quan trọng nhất của người Việt. Nó đã đi sâu vào truyền thống văn hóa và chính trong tâm khảm của biết bao thế hệ con người .Bởi thế dân gian ta mới có câu “Cúng cả năm không bằng rằm tháng bảy”. Tháng 7 chính là tháng để con người tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ - những người còn sống hay đã khuất và tích cực làm việc thiện, cầu phúc phổ độ chúng sinh.
Ngày xá tội vong nhân và lễ Vu lan có phải là một?
Có rất nhiều người nhầm lẫn cho rằng lễ Vu Lan và ngày xá tội vong nhân đều là một, ý chỉ tên gọi khác của Rằm tháng 7. Song trên thực tế, đó lại là hai lễ khác biệt nhau .
Ngày xá tội vong nhân và lễ Vu lan giống nhau là đều có chung nguồn gốc ra đời từ Phật giáo. Hai ngày lễ đều được tổ chức vào Rằm tháng 7 với mục đích thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với những tổ tiên và các bậc sinh thành.
Tuy có chung xuất phát điểm nhưng Ngày xá tôi vong nhân và lễ Vu Lan có sự khác biệt rõ ràng về ở điển tích ra đời và phong tục, nghi thức thực hiện của mỗi lễ.
Dân gian quan niệm trong tháng cô hồn thì ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng và quần áo cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.
 Ngày xá tội vong nhân và lễ Vu lan là hai lễ khác nhau.
Lễ Vu Lan là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo thường được gọi là “Lễ Vu Bồn” hay là lễ báo hiếu.
Truyền thuyết kể về sự ra đời của ngày này là có liên quan tới bồ tát Mục Kiền Liên. Trong kinh Vu Lan của đạo Phật, Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo tu luyện thành công nhiều phép thần thông vẫn không nguôi nỗi nhớ mẹ.
Mẫu thân ông là Thanh Đề đã qua đời, nhưng khi sống gây nhiều ác nghiệp nên bị đày xuống địa ngục làm ngạ quỷ (quỷ đói). Hiếu tử dùng mắt phép biết điều ấy, đã đem cơm xuống địa ngục cho mẹ.
Nhưng khi ăn, bà Thanh Đề đã không cho cô hồn khác ăn cùng nên cơm hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên đau xót, nhờ Phật Tổ chỉ cách giúp cứu mẹ. Phật Tổ dạy, chỉ có hợp sức của chúng tăng vào ngày rằm tháng 7 mới mong cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo và đã giải thoát được bà Thanh Đề.
Lễ Vu lan báo hiếu để thể hiện lòng thành kính với các bậc sinh thành.
Trong Phật giáo lễ này có vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ nó thể hiện một trong “Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: 1. Ân Cha Mẹ, 2. Ân Tam Bảo Sư trưởng, 3. Ân quốc gia xã hội, 4. Ân chúng sinh vạn loại.
Ân Cha Mẹ là ân đầu tiên trong tứ ân, Cha Mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành ra mình mà có thể hiểu là chúng sinh. Bởi khi còn tại thế, một lần trên đường đi thuyết pháp Đức Thích Ca Mâu Ni gặp một đống xương khô, Người đã quỳ xuống bái, và Người đã giải thích cho các đệ từ rằng biết đâu người này kiếp trước là cha mẹ ta.
Ở Việt Nam không rõ tài liệu nào ghi chép lễ Vu lan xuất phát từ năm nào, chỉ biết rằng trong một số văn bản của Lê Quý Đôn đã xuất hiện ngày lễ này.
Nghi thức thực hiện của hai ngày lễ ngày cũng có sự khác biệt rõ rệt, ngày xá tội vong nhân, người dân sẽ làm lễ cúng chúng sinh ở trước cửa nhà hoặc vỉa hè. Nhưng Lễ Vu Lan người Việt lại lên chùa lễ Phật phù hộ cho các bậc sinh thành và mọi thành viên trong gia đình được phước lộc, bình an.
Trong ngày Vu Lan tại một số ngôi chùa có lễ “Bông hồng cài áo”. Nghi thức này nhằm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn sống tại trần thế với con cháu. Trong lễ này, những ai còn mẹ sẽ được cài một bông hồng đỏ, ai mất mẹ sẽ được cài một bông hồng trắng. Nghi thức này nhằm nhắc những ai còn mẹ hãy biết trân trọng những ngày tháng quý giá mẹ còn ở cạnh bên, phải biết hiếu kính với mẹ.
Bông hồng cài áo trong lễ Vu lan.
Cả hai lễ đều được tổ chức vào rằm tháng 7 nhưng Ngày xá tội vong nhân thì được người Bắc coi trọng hơn, còn Lễ vu Lan Báo hiếu thì lại phổ biến ở miền Nam và miền Trung. Lễ Vu Lan ngày nay cũng được tổ chức rộng  rãi với quy mô lớn hơn. Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch nhiều ngôi chùa lớn để tổ chức đại lễ, vào kéo dài đến hết tháng.
Kết
Ngày xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan giống hay khác nhau có còn quan trọng hay không khi đó đều là những lễ quan trọng nhất của người Việt Nam? Cả hai lễ đều mang ý nghĩa thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với các bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí. Hơn nữa, ngày Xá tội vong nhân và lễ Vu Lan mang tính nhân văn cao cả, mang đậm nét văn hóa của con người Việt Nam.













11 nhận xét:

  1. Cám ơn bác về bài viết rất bổ ích, mạch lạc dễ hiểu dễ nhớ...Đúng là có nhiều phong tục dân ta cứ làm theo mà không thật hiểu đến nơi đến chốn bác ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng , ta cũng cứ tìm hiểu dần để những việc làm của ta đúng ý nghĩa ! Chúc ST an lạc trong mùa lễ Vu lan !

      Xóa
  2. Cảm ơn bác đã giúp cho người đọc phân biệt rõ thêm sự khác nhau trong hai lễ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng là cùng nhau tìm tòi cho rõ những việc mình đang làm mang ý nghĩa gì . Mong bạn luôn vui !

      Xóa
  3. Sang thăm anh chiều thứ năm, đọc đc 1 bài thật ý nghĩa về lễ Vu Lan
    Đúng là ở miền trung quê em họ nói là rằm xá tội vong ân anh ạ. Rằm tháng bảy chắc chắn to hơn các rằm khác của năm. Chúc anh vui khỏe an lành

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày này đối với các dân tộc ít người ở Miền Bắc (Như Hà Giang mà em đã sống ) coi như ngày tết lớn thứ hai sau tết nguyên đán đó . Cảm ơn em đến nhà , mong em luôn vui !

      Xóa
  4. Bây giờ miền Bắc người ta cũng coi trọng lễ vu lan, các chùa tỏ chức cũng khá trang trọng anh ạ, ngày rắm mọi người lên chùa dự lễ báo hiếu cha mẹ và gài bông hồng lên ngực,cám ơn bài viết của anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HĐ có hay lên chùa thực hiện nghi lễ đó không ? Đó là nét văn hoá đẹp . Chúc HĐ mùa báo hiếu an lành !

      Xóa
    2. Em bị bệnh cột sống nên không ngồi lâu được vì vậy rất ít lên chùa dự các khóa lễ, em nghĩ mình thành tâm là chính thôi anh ạ.. Cám ơn anh nhiều.

      Xóa
  5. Ngày rằm tháng bảy hàng năm
    Vu Lan báo hiều thành tâm sinh thành !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mong cho cuộc sống an lành
      Mong cho trời đất tươi xanh bốn mùa !

      Xóa