12 thg 6, 2014

Người Việt làm thơ Haiku





        Cứ băn khoăn hoài về tên gọi Haiku Việt mà mãi chưa tự lý giải được sao cho vừa ý . Không hiểu khi thơ Haiku nhập cuộc vào đời sống văn học các nước như Anh , Pháp … người ta có gọi là Hai ku Anh , Haiku Pháp … không . Thiết nghĩ chỉ có một thứ thơ Haku thôi . Nó sinh ra , lớn lên và đến bây giờ phân thành nhiều xu hướng cũng ở đấy . Thơ Haiku là một trong những sản phẩm văn chương độc đáo và tượng trưng cho đất nước Mặt Trời Mọc . Nó mang hồn cốt của người Nhật bản  qua từng giai đoạn phát triển . Khi thể loại thơ này nhập tịch vào nước nào , nó được người bản xứ thưởng thức và sáng tác . Khi thưởng thức ắt phải cố gắng để nhận chân được sắc thái tâm hồn , vẻ đẹp tư duy của người Nhật . Lúc sáng tác , lại phải vận dụng những điều nhận được ấy để bằng ngôn ngữ của mình , hơi thở của cá nhân và đất nước , dân tộc mình làm nên những đoản khúc Haiku . Quá trình ấy , có thể xuất hiện một số nét mới về cả nội dung và thi thuật để thỏa mãn thẩm mỹ của bản thân , phù hợp với khung trời , mảnh đất mình đang sống  . Điều đó là tất yếu nhưng nó không thể là việc làm thay đổi hay chinh phục thơ Haiku . Được biết ngay trên đất nước Phù Tang , thơ Haiku cũng luôn vô thường , bám đuổi sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống , thế mà vẫn cứ là haiku thôi . Không có thứ Haiku cải tiến , Haiku mới hay Haiku tân kỳ chi chi cả .
          Thiết nghĩ người làm thơ Haiku ở bất kỳ đất nước nào cũng phải giữ cho được cốt cách của nó . Đó là ngắn gọn ( Không quá mười bẩy âm tiết ) , ngắt ý rõ ràng  , tính gợi cao và cố gắng tránh dùng tính từ , trạng từ . Trong thơ Haiku cổ phong của Nhật còn thấy một số đặc thù khác nữa như phải có quý ngữ , tính thiền , tính vô thường , vô sai biệt… . Những điều này bây giờ mờ nhạt dần không còn trở nên bắt buộc nữa .
          Khi người Việt làm thơ Haiku , trước hết và rất cần phải đảm bảo những nét đặc trưng cơ bản của thể loại thơ này . Trong đó khó nhất vẫn là ngắt ý . Vâng ! Một phiến khúc thơ Haiku phải thể hiện được ba ngắt ý một cách tường minh . Ta dễ bị lẫn ba ngắt ý với ba dòng hay ba câu . Mỗi ngắt ý có thể chưa đủ một mệnh đề , mới chỉ là một hình ảnh , thậm chí một từ nhưng độc lập với nhau , để rồi khi đứng chung trong toàn bài chúng hợp sức tạo nên một cảnh tượng lớn , hoàn hảo, nói lên ý tưởng của bài thơ , mở ra phương trời suy tưởng cho người đọc . Hãy trở lại với bài thơ “Con Ếch” của Basho :
                    Ao xưa / Con ếch nhẩy vào / tiếng nước xao
Thì đấy , ao xưa , con ếch và tiếng nước là những hình ảnh và âm thanh nếu tách riêng ra chẳng thấy có gì liên can . Khi nằm chung trong bài thơ đã tạo nên sức gợi về một không gian , về sự sống  và những triết tưởng sâu xa như ta đã thẩm ! Xin được đưa ra vài khúc nữa để khảng định diều này :
                    Xó chợ / Chiếc lon trống / Hạt mưa mồ côi  ( Nguyễn Thánh Ngã )
                   Quả mướp dài / Con ong vụt đến / Đâu người tình xưa ?  ( Tôn Thất Thọ )
                  Trên lá môn non / Giọt sương đọng / Vầng trăng tý hon  ( Trần Đức Việt )
                  Nắng mật ong / Mây trời huyền ảo / Trăng bùa lứa đôi  ( Đinh Nhật Hạnh )
                  Rượu đầy / Lời bay / Dạ cạn  ( Lý Viễn Giao )
Đừng nói những bài thơ ba câu , ba dòng , thơ ngắn mà ta thường gặp là không hay , không sâu , không  “Nỗi niềm” , “Tâm trạng”…Nhưng nếu ở đó không rõ ba ngắt ý thì chưa phải là thơ Haiku . Thế thôi ! Ở đâu đó ta đã nghe nói rằng trong một đoản khúc Haiku có thể chỉ cần hai ngắt ý . Điều này những người làm thơ chúng ta coi như một nét mới để thử nghiệm cho mình trong sáng tác và lúc thẩm thơ .
          Khi người Việt Nam làm thơ Haiku dĩ nhiên dùng tiếng Việt . Những hình ảnh trong cuộc sống như cây cối , nhà cửa , sông núi , biển trời …cũng dĩ nhiên từ trên đất Việt . Tâm tư , tình cảm và thậm chí những triết lý thâm sâu , những ý tưởng rộng lớn…đưa vào thơ từ trong gan ruột người Việt lộ ra bằng câu chữ . Những nét đẹp trong nền văn hóa dân tộc từ ngàn xưa dù bác học hay dân dã đã thấm vào từng người trước đó cũng chẩy vào thơ trong quá trình sáng tác . Ấy là ta đã dùng cái “Bình Haiku” để rót “Rượu Việt” vào mà thưởng thức , nhâm nhi với nhau đó ! Tất cả , tất cả đấy xin được gọi chung bằng một từ Hồn Việt .



          Có những yếu tố của Hồn Việt cứ tự nhiên ,“tưng tửng” mà đến không cần một cố gắng nhỏ nào ví như tiếng Việt , không gian Việt . Nhưng nhiều yếu tố khác tạo nên Hồn Việt , người làm thơ phải dầy công nhặt nhạnh , khéo léo gửi gắm mới mong câu thơ Haiku lấp lánh cái hồn vía ấy . Việc nhặt nhạnh nằm trong khoảng thời gian và những lãnh vực vô cùng rộng lớn . Đó là những nét đẹp hào hùng trong lịch sử dân tộc trải qua mọi thời kỳ dựng nước và giữ nước . Đó là những làn điệu dân ca trên khắp mọi miền của tổ quốc . Những bản tình ca , tráng ca của Văn Cao , Trịnh Công Sơn… .Những bức tranh vô giá của Bùi Xuân Phái , Tô Ngọc Vân … Và đặc biệt phải nhặt nhạnh trong văn thơ từ cổ chí kim mà văn chương truyền miệng có vai trò to lớn . Trong các thể loại truyền miệng , ca dao là cốt lõi . Nó thể hiện đa dạng tình cảm , mơ ước của người bình dân . Nó uyển chuyển , mềm mại , trong sáng mà sau này phát triển cao thành một thể thơ , thơ Lục bát . Một khi đã thấm được Hồn Việt từ tất cả các ngõ ngách đó , việc thổi nó vào thơ Haiku cũng chưa phải dễ suôn sẻ . Việc làm này tùy thuộc vào yếu tố thiên phú và những trải nghiệm của mỗi người làm thơ .
          Cho dù ngày nay thơ Haiku không còn bắt buộc phải có quý ngữ , nhưng khi người Việt sáng tác thơ này quý ngữ cứ ùa vào một cách tự nhiên ngoài ý thức của tác giả . Bởi trên mảnh đất này , ở Phía Bắc , bốn mùa cứ nối tiếp nhau với ranh giới tuy không thật rõ nét nhưng với những đặc trưng về thời tiết , về hoa lá , cảnh vật …không lẫn với nhau được  . Cả ánh mắt nhìn cuộc sống , suy tư , tâm trạng con người cũng thay đổi theo các mùa đó . Còn ở Phương Nam , tuy chỉ có hai mùa nhưng người làm thơ xứ ấy cũng làm sao tránh được cái bóng dáng thiên nhiên trong câu thơ làm ra . Vả lại mấy ai chỉ sống ở đó mà chưa lần ra Bắc . Ấy là chưa nói đến rất đông người vốn dĩ gốc gác Đàng ngoài .
          Người Việt Nam vốn ưa cách nói có vần , có nhịp điệu . Trong ca dao , dân ca , thành ngữ , tục ngữ , phương ngôn …  thơ ; vần và điệu là yếu tố hình thức quan trọng đã đành . Ngay trong ngôn ngữ giao tiếp thường nhật , câu nói có vần điệu nghe cũng dịu tai hơn . Những phiến Haiku được gieo vần , có nhịp điệu đi vào vùng thẩm của người đọc thường theo con đường ngắn hơn và gây thú vị nhiều hơn . Vậy nên việc sáng tác những khúc thơ có vần điệu được coi như một yếu tố có vẻ hình thức làm nên hồn Việt đó !
          Tính từ , trạng từ vốn là khắc tinh của thơ Haiku nhưng  hãy thử làm một việc coi như “Không sợ súng” này xem . Nếu được cũng có thể cho là một nét điểm xuyết trên bầu trời Haiku mà người Việt chấm vào . Những tính từ đã được mặc định cho một loại danh từ , đang được toan tính mang thay thế danh từ ấy trong câu thơ  . Ví như :
               Mớ bẩy mớ ba / Nõn nà / Lúng liếng . ( Lý Viễn Giao )
Nõn nà dùng để nói vẻ trắng , non của làn da . Ở đây dùng nó thay cho làn da non trắng ( Thường là cổ tay , bàn tay , khuôn mặt ) của người con gái trẻ . Cùng với lúng liếng ( Thay cho đôi mắt trong sáng , tình tứ ) và mớ bẩy mớ ba tạo nên một hình ảnh đầy đủ về cô gái Quan họ xinh tươi , về mùa xuân !
          Thơ Haiku đến Việt Nam chưa lâu . Số người đam mê và sáng tác nó chưa nhiều . Tuy vậy khi ta bước vào cái vườn hoa nho nhỏ này cũng đã thấy ngát hương , ngợp sắc . Và cũng chẳng cần tốn công lắm để tìm thấy những bông hoa lộng lẫy hơn chút đỉnh  mà thưởng lãm , tự hào . Đó chính là những phiến khúc Haiku lấp lánh hồn Việt xin được lược điểm , dâng trình :
     Độc ẩm trà / Nhấm nháp mình ta / Cô đơn sớm  ( Nghiêm Xuân Đức )
     Hương trong vườn / Tiếng chim khách / Từng chùm  ( Mai Văn Phấn )
     Sen nở / Nắng reo / Câu lục bát  ( Kiều Lam )
     Cao nguyên đá / Tiếng khèn trong sương / Tình vương phố núi  ( Vũ T. Huề )
     Nắng xuân Đền thượng / Bừng sắc hải đường / Nụ cười Mỵ Nương  ( Kim Thanh )
     Tiếng rao đêm / Nhịp chuông chùa ngắc ngư / Sao Mai qua cửa sổ ( Cao N Thắng )
     Tóc rũ / Bờ tre / Đợi  ( Lê đình Công )
     Vỉa hè / Ngay dưới chân / Rất xa   ( Hà Bàng )
     Bóng Hoa trăng lắt lay / Mèo con / Vồ hụt mãi  ( Đinh Nhật Hạnh )
     Bàng bạc sương mù / Hồ Ba bể / Trăng lu  ( Nguyễn văn Đồng )
     Trong cỏ xanh / Mùi đất ẩm / ủ tình quê  ( Lưu Đức Trung )
     Gốc sứ già / Ve sầu thoát xác / Mơ ước đời người  ( Lê văn Truyền )
     Xoài lủng lẳng / Nắng soi nghiêng / Ngực trần Tây nguyên  ( Nguyễn Kỳ Anh )
     Dảo nổi đảo chìm / Nhịp trái tim / Tổ quốc  ( Nguyễn Hoàng Lâm )
     Bếp lửa / Khoai vùi / Nhà ai ?  ( Lam Hồng )
     Dưới vòm cây phố thị / Gõ mõ cầu siêu / Hoàng hôn òa tím chiều  ( Như Lan )
     Triền đê / sáo diều / Ru vạt gió  ( Nguyên Thị Kim )
     Trăng lạnh / Tóc xõa bên song / Đêm thiếu phụ  ( Lương thị Đậm )
     Lúa trổ nghẹn đòng / Cua bên bờ đỏ gọng / Mong mưa … ( Lê Đăng Hoan )
     Dâu da xoan / Thơm / Bầu sữa mẹ  ( Đỗ Tuyết Loan )
     Nằm nghe / Đêm thẳng đứng / Mưa rơi  ( ĐinhTrần Phương )
     Sông Gâm / Vũng đầm / Non bộ  ( Thiện Niệm )
Còn nhiều , còn nhiều nữa những đóa hoa xinh tươi nhưng vòng tay hẹp không ôm xuể .
          Từ chỗ gần như con số không tròn trĩnh , đến nay số người Việt Nam tìm hiểu , nghiên cứu , sáng tác thơ Haiku đã khá đông đảo  . Họ tập hợp chủ yếu trong hai câu lạc bộ thơ lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh . Họ có mặt trên mọi miền đất nước . Trên con đường đi lên , trong quá trình sáng tác , mọi Hai jin sẽ tự rút ra những gì cần thiết để thơ mình được công chúng đón nhận , để Haiku trên đất Việt sánh vai với các anh chị của mình trong dòng chẩy thi ca , trong nền văn chương Việt Nam . 
         
                             

20 nhận xét:

  1. Em gái BD tem thơ Hai Ku nhà anh Lý Viễn Giao (~_~)

    Trả lờiXóa
  2. Thơ hai ku làm chắc khó lắm phải ko anh ? Nghe cứ tưng tửng vậy nhưng đọc thì thấy thấm thía lắm, anh thật giỏi khi làm được loại thơ này, em chỉ ngó rồi vỗ tay chúc mừng thôi (~_~)

    Ngày mới an lành anh nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giỏi giang chi mô ! Cứ làm đại rồi học thêm mỗi ngày một chút nhưng cũng còn nhiều bất ổn lắm em à ! Mong em cứ chịu đựng đọc là quý lắm rồi . Muốn em vui !

      Xóa
  3. Cháu cám ơn chú với bài viết này đã cho cháu mở mang đầu óc thêm với thể thơ duy nhất cháu chưa viết được....
    Chúc chú vui khoẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với tư duy của cháu , chú tin nếu viết , cháu sẽ viết không xoàng !

      Xóa
  4. Với bài viết này không những bồi dưỡng thêm hiểu biết về thơ Haiku,mà con xây dựng lòng tin cho người tập sự như em để mạnh dạng đi vào thử thách mới...
    Chúc bác an !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với cách tư duy của chú , mình tin chú làm thơ này phù hợp đó ! Hãy viết đi !

      Xóa
  5. Tui đọc mãi thể loại này rồi mà chưa tìm thấy cái hay trong vần thơ -có lẽ mình quá dốt chăng ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải đâu bạn à . Chỉ vì loại thơ này không "gõ" được vào khu "hứng thú" của bạn đó thôi !

      Xóa
  6. Sang thăm anh để hiểu thêm về một niềm say mê nửa. chúc anh vui vẻ an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng nên có nhiều niềm say mê em nhỉ ? Chúng bổ sung làm ta nhẹ nhàng hơn !

      Xóa
  7. Thơ này là của người sang
    Em sang NGÓ chút...ngỡ ngàng... lui xa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chi nghe lạ quá ta
      Đã là thơ ắt phải là của chung !

      Xóa
  8. Thể thơ này khó thiệt anh ạ, nhưng có lẽ càng đọc càng cảm thấy thú vị vì không giống các thể loại ở ta, anh siêu thật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đứng ngoài tưởng khó vậy thôi
      Vào trong để đứng để ngồi mới hay
      Không thơ nào dễ thế này !

      Xóa
  9. Nghe nói về loại thơ này đã lâu...nhưng hôm nay tớ mới biết rõ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây cũng là vài nết bàn về "Hồn Việt" thôi . Mong bạn tìm hiểu thêm qua những bài trong chuyên mục "Nhàn đàm" của mình và nhiều tài liệu khác nữa . Cảm ơn bạn !

      Xóa