Hai trong một
Gần đây,
haijin Lê Đình Công đề xuất ý tưởng thơ “Hai trong một” trên trang Facebook của
mình và có đăng chùm thơ minh họa. Sau đó tiếp tục sáng tác thêm nhiều bài khác
trong các bài viết.
Gió bấc đêm đã tràn về
Vẳng buồn cây lá bên hè
Xôn xao (Chuyển mùa)
Trách chi thác lũ mưa nguồn
Để Hương ngầu đục
Mắt buồn mênh mang. (Gửi Sông Hương).
Những khúc thơ này nếu viết lên hai dòng sẽ trở thành thơ
lục bát:
Gió bấc đêm đã tràn về
Vẳng buồn cây lá bên hè xôn xao.
Trách chi thác lũ mưa nguồn
Để Hương ngầu đục mắt buồn mênh mang.
Cái ý “Hai trong một” có thể hiểu là một câu thơ mà “chứa”
hai thể loại thơ trong đó?
Ngược lại,
nhiều câu thơ Lục bát có thể tách ra viết trên ba dòng sẽ có một khúc Haiku đúng,
thậm chí hay. Ta không khó tìm thấy trong kho tàng lục bát những câu thơ như thế.
Đặc biệt, các câu lục bát có sử dụng “Tiểu đối” đều có thể ngắt thành ba ý độc
lập để trở nên một khúc Haiku:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. (Truyện Kiều-
Nguyễn Du)
(Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc
Non phơi bóng vàng)
“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn” (Việt Bắc- Tố Hữu)
(Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi
Nhìn sông nhớ nguồn)
“Bao nhiêu là bấy đợi chờ
Tình yêu đi ẩn ước mơ bàng hoàng” (Tâm sự- Lý Viễn Giao)
(Bao nhiêu là bấy đợi chờ
Tình yêu đi ẩn
Ước mơ bàng hoàng)
Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, gần đây lác đác một số tác
giả cũng đã dùng hình thức viết này:
Quê tôi biển rộng đồng vàng
Lời thơ tiếp bước
Phú Vang nối tình (Khơi nguồn 3- Đăng Nguyên)
Dẫm lên nhau dấu chân người
Yêu thương ướt đẫm
Vọng lời từ ly (Ngàn Thương)
Đây có thể
coi là một thú “Chơi thơ”. Tác giả của những câu thơ như thế phải có ý thức
ngay khi sáng tác. Nếu viết lục bát trước, phải chú ý sao cho cấu trúc của câu
này chứa trong mình ba ngắt ý độc lập để có thể tách ra thành một khúc Haiku
đúng. Còn khi viết Haiku trước lại phải chú ý gieo vần giữa âm tiết thứ hai của
ngắt ý ba với âm tiết cuối của ngắt ý một. Đã có thời, một số haijin làm một việc
gần giống ý tưởng này. Đó là chuyển dịch từ khúc Haiku sang cặp Lục bát hoặc
ngược lại. Việc làm này có hơi khác là không giữ được nguyên vẹn các từ trong
câu thơ mà chỉ giữ ý.
“Hai
trong một” không phải là một “thể loại” thơ và nó càng không là cơ sở để kéo gần
hai thể loại Lục bát và Haiku lại với nhau. Haijin Lê Đình Công đã đề xuất một
ý tưởng chơi thơ mà những người đã nhuần nhuyễn hai thể loại thơ đặc trưng của
hai đất nước Việt- Nhật nên lưu tâm. Có lẽ đây cũng là một cách để nâng tầm thưởng
thức và sáng tác cho thơ Haiku Việt ngày càng có sức hấp dẫn hơn!
Cảm ơn Bác đã chia sẻ "Hai trong một"
Trả lờiXóaThật thú vị, giúp cho người đã quen viết lục bát có hướng tiếp cận với Haiku.
Kính chúc Bác luôn được mạnh khỏe, an vui.
Vâng, lời thi nhân rất chuẩn. Làm thơ Haiku không khó như suy nghĩ trước khi bắt tay vào việc đâu. Với những ai có chiều sâu suy tư lại càng không khó. Cảm ơn và mong thi nhân luôn vui khỏe!
XóaMN ghé thăm chú đọc bài và thích lắm với thể thơ "Hai trong một".MN kính chú luôn bình an và vui khỏe ạ !
Trả lờiXóaCảm ơn cháu đã để tâm đến bài viết, mong cháu luôn dồi dào thi hứng và vui khỏe!
XóaAnh LDG ơi .
Trả lờiXóaLâu rồi đó blog HQ lỗi giờ mới khôi phục lại .
HQ ghé thăm anh và mọi người ...chúc anh luôn vui sức khoẽ và bình an anh nhé .