25 thg 12, 2022

                                Ngoái nhìn 



Kể từ Trần Dần, Lê Đạt …, những người đặt viên gạch đầu tiên cho thơ Haiku bước vào đất Việt đến nay, thời gian cũng không gọi là ngắn nữa. Tiếp bước các ông, số người hưởng ứng kể như lá mùa thu. Phải đợi tới khoảng đầu thế kỷ hai mươi mốt, thể loại thơ mang tiếng khó tính này mới thức dậy mạnh mẽ, trở thành trào lưu, có sức cuốn hút cả người viết lẫn người đọc.

          Đầu tiên phải kể đến câu lạc bộ thơ (CLB) Haiku thành phố Hồ Chí Minh với sự dẫn dắt của chủ nhiệm Lưu Đức Trung. Ở đây tập hợp được đông đảo người tham gia có tiềm năng, đặc biệt là lực lượng trẻ. Cũng từ đây nhiều nội san, tập thơ cá nhân ra đời tạo sự chú ý của những người hâm mộ Haiku khắp nước. Khi đó, nhóm người yêu thơ Haiku Hà Nội sinh hoạt trong CLB thơ Bích Câu cũng gửi bài vào cùng góp mặt, góp lời như thể là thành viên vậy. Cũng từ câu lạc bộ này thúc đẩy mà những cuộc thi thơ Haiku với sự chủ trì cùa lãnh sự quán Nhật Bản kết hợp với chi nhánh báo Tiền phong Phía nam được mở ra đều đặn, ngày càng chất lượng. Đặc biệt hơn là sự thúc đẩy ấy mang lại chỗ đứng cho thơ Haiku, nó được đưa vào giảng dậy trong nhà trường phổ thông như mọi loại hình thơ khác.

Sau một thời gian ngắn, những haijin Hà Nội cũng tự thành lập câu lạc bộ riêng của mình, xuất bản nội san riêng và tìm hướng đi độc lập phù hợp với xứ sở. Hai CLB của hai thành phố lớn nhất nước vẫn giữ quan hệ trao đổi in ấn và kinh nghiệm sáng tác, hoạt động … với nhau để cùng hoàn thiện. Từ sau đại hội của hiệp hội Haiku quốc tế WHA mà chủ nhiệm Đinh Nhật Hạnh cùng phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Bình được mời tham dự tại Nhật Bản, CLB thơ Haiku Hà Nội và một số haijin được kết nạp vào hiệp hội này, hoạt động có chất lượng hẳn lên. Một phong trào sáng tác mới nở rộ với nhiều khúc thơ hay, trang lý luận sâu sắc. Sự kiện quan trọng nhất của giai đoạn này là việc tổ chức được một cuộc tọa đàm (thực chất là một hội thảo) quy mô lớn, nội dung phong phú với sự có mặt của chủ tịch WHA Ban’ya Natsuishi và nhiều đại biểu thơ văn, bạn bè tham dự. Đinh chủ nhiệm có khả năng thu hút và tập hợp nên không những các thành viên Bích Câu tham gia mà nhiều người từ nhiều ngành nghề xã hội cũng tìm về tạo nên một đội ngũ có năng lực đa dạng ngoài thơ. Những cây bút nhiều miền trong cả nước từ Bạc Liêu, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Bình đến Hải Phòng... lần lượt hội về làm cho CLB ngày càng phong phú màu sắc và đậm đà chất lượng.  

Nhận thấy nếu cũng chỉ gọi là thơ Haiku e dễ lẫn với thơ chính gốc của xứ Mặt trời mọc. Các CLB đã đổi tên gọi thành “Thơ Haiku tiếng Việt” rồi chốt lại là “thơ Haiku Việt” như bây giờ để khảng định đây là thơ do người Việt Nam viết trên đất nước mình. Tên gọi là vậy nhưng thực chất vẫn tuân thủ đầy đủ mọi tiêu chí và đặc thù của thơ Haiku gốc. Khác chăng là dựa vào xu hướng cách tân ở chính bản quốc mà cho phép giảm nhẹ sự bắt buộc quý ngữ, có sử dụng khéo léo phụ từ (đặc biệt tính từ) để làm lung linh hơn các hình ảnh trong khúc thơ.

Để phù hợp thị hiếu người Việt, thơ đã dần tự nó xuất hiện nhiều yếu tố mới về hình thức. Đó là vần điệu, là việc đặt tên cho một chùm thơ cùng chủ đề, là cách đặt ba hình ảnh của một bài thơ trên ba dòng ... mà thơ Nhật Bản không có.

          Từ hai CLB ở hai đầu đất nước, đến nay nhiều địa phương cũng đã hình thành CLB thơ Haiku Việt như thành phố Nha Trang, cố đô Huế, thành phố Hải Phòng. Riêng thành phố Huế đã có hai tổ chức độc lập, đó là CLB Haiku Xứ Huế và CLB thơ Haiku - Cố đô Huế. Mọi CLB đều hoạt động sôi nổi theo những cách riêng của mình. CLB haiku XHuế thường xuyên sinh hoạt bằng các buổi trà đàm và tích cực in ấn; đến nay đang chuẩn bị cho ra mắt tập thơ chung thứ ba mang tên “Khơi Nguồn 3”. Ở Hải Phòng lại rất chú ý đến việc tổ chức các cuộc thi thơ Haiku; tính đến nay đã mở được ba cuộc thi, cuộc thứ ba vừa tổng kết, trao giải vào trung tuần tháng mười hai. Với Hà Nội, một trong hai cái nôi của thơ Haiku lại có thế mạnh về tổ chức loại hình sinh hoạt mang tên gọi là “Hội ngộ Haiku” (thực chất là giao lưu). Việc này thường phối hợp với các CLB khác nên đã gây được sự chú ý và ấn tượng của đông đảo hội viên. Đáng kể nhất là các cuộc gặp gỡ tại Nha Trang, cố đô Huế và đất cảng Hải Phòng. Có một hoạt động khó xuất hiện ở các CLB khác, đó là chấm thơ. Ở đây đào tạo được một đội ngũ đông đảo giám khảo vững vàng, rất chuyên nghiệp. Họ đã chấm cho nhiều ngàn bài thơ dự thi của CLB bạn và của trẻ em hằng năm do sứ quán Nhật Bản tổ chức. Thật đáng khâm phục.

Không khó bắt gặp nhiều người làm thơ, thực chất là Haiku nhưng lại dùng cách gọi tên khác như “Thơ ba câu” của Mai văn Phấn, “Thơ một câu” trong ba tập Thiên – Địa – Nhân của Trần Phương. Lại có nhiều người làm thơ Haiku nhưng không tham gia trong CLB nào, số này ngày càng đông và thường xuất hiện trên mạng xã hội với tư cách cá nhân hoặc “Nhóm thơ Haiku”. Phải thừa nhận một số bài thơ của họ đã đạt tiêu chí và chuẩn mực của của thơ Haiku đôi khi còn hay nữa. Gần đây công chúng thưởng thức thơ Haiku cũng ngày càng đông đảo. Những khúc Haiku đăng trên Facebook nhận được sự chú ý bằng những nhận xét sắc xảo, sự đồng cảm và lời động viên thực lòng.

Trong quá trình sáng tác, nhiều haijin đề xuất những ý tưởng nhằm làm mới cho thơ khá lạ như “Thơ Haiku một hình ảnh”, “Thơ đôi”. Lại có đề xuất “chơi thơ” không phải bằng thư pháp mà bằng cách tạo ra chùm thơ Haiku có cùng chủ đề liên kết, phối hợp, bổ sung cho nhau tạo ra bài thơ lớn không phải là Haiku.     

Đại dịch thế kỷ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các CLB trong cả nước, việc sinh hoạt tập trung không tiến hành được, các cuộc giao lưu, tọa đàm đã lập trình phải hủy bỏ. Tuy thế, hoạt động sáng tác và in ấn dường như ít bị ảnh hưởng. Nhiều bài thơ vẫn đều đều xuất hiện đây đó, nhiều tập thơ vẫn ra mắt ngoạn mục. Những tập thơ dầy mỏng khác nhau của các tác gia Đông Tùng, Đinh Trần Phương, Phùng Gia Viên, Trần Phương… Các thi phẩm “Khơi Nguồn” của CLB Haiku Xứ Huế, “Ban Mai Xanh” của của các thi nữ cả nước… được coi như những liều vacine góp phần đẩy lùi đại dịch.

 

         Bằng chỗ đứng khác đi, dùng con mắt khách quan, cầu thị mà ngắm nghía khái quát cái quần thể Vườn thơ xanh tươi này, chưa thể không nhíu mày chút xiu. Nói không ngoa là mấy, thơ Haiku hình như đang bị thả nổi thì phải. Nhiều người viết theo phương châm “Dĩ đa vi tinh” chứ không “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” nữa! Duyên do là bởi người viết ít để ý đến cái khuôn mẫu chuẩn mực của thể loại thơ này nơi bản xứ của nó và những đổi trao xuất hiện trên các nội san, tọa đàm, trên mạng xã hội và trong bàn luận của các buổi sinh hoạt. Cứ mỗi ngày “mở” một chút, dần dần chẳng còn ra hình hài gì nữa. Hãy tạm quên đi cái vỏ mà đã có thời tranh luận như thể chuyện quan trọng, chẳng hạn “Thơ ba câu” hay “Thơ ba dòng”, xuống dòng có viết hoa không, viết liền một mạch hay dùng dấu ngăn cách (/), dòng để phân biệt các ngắt ý… Hãy tạm quên đi hình thù cái chai mà phải cùng nhau tạo ra loại rượu ngon mang hương vị của cả Sake và Quốc lủi.

May thay, số người đứng vững cả hai chân trên thơ Haiku, cần mẫn tìm tòi như những con ong làm mật không phải là hiếm. vì thế người đọc vẫn được thưởng thức hoa thơm trái ngọt từ vườn thơ này.

 

Xó chợ

Chiếc lon bỏ trống

Hạt mưa mồ côi.          (Nguyễn Thánh Ngã – Lâm Đồng)

 

Về thôi

Bờ sông níú gió

Chân trời níú mây.       (Lương Thị Đậm – Nha Trang)

 

Tuổi học trò

Tròn vo

Trái sấu.                       (Nguyễn Hoàng Lâm – Hà Nội)

 

          Nên chăng bên cạnh việc làm thơ, những người đang cầm bút, những tổ chức thơ Haiku hãy mở nhiều cuộc bàn luận, thậm chí tranh luận rồi chấp nhận một khuôn mẫu với các tiêu chí đầy đủ, rõ ràng cho một khúc thơ Haiku Việt. Nên chăng thơ Haiku Việt phải có chỗ đứng xứng đáng trong vườn thơ Việt, trong nền văn hóa Việt để cùng tỏa sáng tâm hồn Việt trong đời sống cộng đồng.

 

           

 

                       

 

 

 

         

  

 


4 nhận xét:

  1. Cảm ơn Bác đã giới thiệu.
    Nhờ vậy,em được biết những nhà thơ đặt viên gạch đầu để xây nên lâu đài Haiku Việt.Được biết tình hình sinh hoạt các CLB thơ Haiku Việt ở cả 3 miền.
    Kính chúc Bác luôn được an vui,mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn thi nhân ghé thăm và đọc bài viết. Mong đệ luôn vui !

      Xóa
  2. Khá thú vị, cháu cảm ơn chú nhiều và chúc chú luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không hiểu cháu có ái mộ thơ Haiku không nhưng đã ghé thăm chú , đọc một bài viết khô khan như thế này đủ để chú rất cảm ơn rồi. Mong cháu luôn vui !

      Xóa