Sợi thơ
Tôi gặp anh lần đầu trên Thơ, thơ Haiku. Một Hai jin sáng danh trong câu
lạc bộ của Thành Bác. Phải đến khi tham dự buổi sinh hoạt cùng anh ở cà phê
Viễn xưa mới mục sở thị con người điển trai, phong nhã và thông minh ấy.
Anh có bút danh Đông Tùng và pháp danh Thích Minh Cần. Một con người
sống tốt đời, đẹp đạo; trên lĩnh vực nào anh cũng giữ được sự cân bằng trên
từng bước đi của mình.
Với pháp danh thượng
tọa, anh là một nhà sư mẫu mực, lớp lớp tín đồ và môn đồ kính trọng. Anh hoạt
động tích cực trong công tác xã hội với vai trò thành viên ban trị sự phật giáo
thành phố. Qua những lần ghé chùa Huệ Nghiêm thăm anh, tôi đã trực kiến nét
sống cân bằng đời đạo ấy trong trai phòng, trong nếp sống và quan hệ với chư
tăng, phật tử, môn sinh của anh. Vì tránh lộng ngôn, tôi không muốn gọi anh là
nhà thơ hay thi sĩ mà chỉ nhẹ nhàng thân mật kêu tên Người thơ, Thi nhân thôi mặc dù
thơ anh rất đáng nể trên thi đàn. Anh đi cân bằng trên hai lĩnh vực thơ tự do
và thơ haiku; anh có phong cách riêng trong việc thể hiện thơ Haiku trên thư
pháp. Trong thơ anh thể hiện rõ mồn một cả tình đời với nghĩa đạo. Mẹ, quê
hương và trà luôn là những hình ảnh đậm nét. Đôi khi bóng dáng người em gái
cũng xa xăm, mơ hồ thấp thoáng đâu đó làm tươi thêm nét thơ mà anh cho là cái
chung của tình người trong mọi chúng sinh. Anh đã đáp nghĩa cho các đấng sinh
thành và quê hương bằng hai học vị cử nhân với thạc sĩ.
Xin bình yên cơn gió
Để cung đàn ngân nga
Như lời ru của mẹ
Nửa đời chẳng phôi pha
Xin bình yên sợi nắng
Cho hương về nơi đây
Mồ hôi cha rụng xuống
Làn tóc con xanh dài … (Niệm bình yên)
Mưa…
Thấm lạnh vần thơ nhỏ
Thấm lạnh cả con tim
Chiếc ô hồng trước ngõ
Hạnh phúc ai đi tìm … (Viết cho ngày mưa)
… …
Chén trà trong tỉnh thức
Dâng đấng đại bi từ
Xin một lần vong ngã
Bước vào miền vô dư. (Trà đêm)
Tiếng chuông ngân nga
Cõi lòng phiền muộn
Chợt nở ngàn hoa.
Tiếng chuông chùa rơi
Bữa cơm mẹ nấu
Ngọt vị mồng tơi.
Đôi vần thơ ấy chỉ là điểm xuyết để minh chứng.
Trong nhiều nhiều bài thơ khác của nhiều tập thơ, Đông Tùng đều không đi chệch
cái mạch chẩy xuyên suốt của mình. Chấp bút đôi điều về thượng tọa thi nhân
này, đầu tôi cứ thấp thoáng lời thơ nối điêu của sư Pháp Thuận khi giả làm lái
đò chở sứ nhà Tống Lý Giác trong hai câu cuối của bài thơ “Đôi ngỗng” nổi tiếng
xưa ngày.
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
Nhân chuyến công du lần này, thượng tọa thi nhân thu xếp cuộc gặp gỡ sau
hơn mười năm ra xứ Bắc. Vẫn dáng dấp ấy, đôi mắt ấy và tình cảm nồng thắm ấy,
chúng tôi sống lại những cuộc thơ, cuộc thăm đã có cùng nhau từ buổi một hai.
Tôi tự hỏi cái gì đã gắn kết những con người khác nhau về tuổi tác, tín ngưỡng,
xứ sở… để trân quý nhau đến thế. Chợt nghĩ đến sợi Tơ hồng mà Ông tơ Bà nguyệt
dùng để se duyên đôi lứa, tôi trộm nghĩ ra một thứ sợi nghe hơi lạ tai nhưng rất
hợp với chúng tôi: Sợi thơ!
Cảm ơn Bác và chúc mừng bác nhờ duyên thơ mà hạnh ngộ,rồi nhờ "Sợi thơ" gắn kết những tâm hồn thơ đồng điệu.
Trả lờiXóaKính mong Bác luôn sức khỏe.
Cám ơn thi nhân đã ghé thăm và đồng cảm. Mong đệ luôn vui khỏe chuẩn bị đón xuân mới !
Xóa