3 thg 5, 2018

Học thêm-Một cơn say




          Bất kỳ lúc nào và ở đâu ta đều dễ dàng bắt gặp các em học sinh hối hả đến điểm bồi dưỡng để học thêm. Thôi thì đủ mặt, từ mẫu giáo lớn đến lớp mười hai; đủ phương tiện tự đi hay đưa đón. Dòng chẩy này góp vào dòng trôi tất bật của xã hội làm cho không gian thêm chật chội và thời gian càng co vơi.
          Các bậc cha mẹ coi học thêm là cứu cánh bổ sung kiến thức và kỹ năng cho con em, nhất là khi chúng đứng trước những cuộc lựa chọn cam go. Một số coi học thêm như một cách “Năng nhặt chặt bị”. Không loại trừ nhiều người coi việc cho con đi học thêm là một hình thức quản lý giúp mình trong khi bộn bề công việc.
          Chủ thể của hiện tượng này thì sao. Nhiều học sinh chưa đủ tự tin vào việc học ở trường, lo lắng khi thấy bạn bè nườm nượp rủ nhau đi học thêm, thực mắt nhìn thấy có bạn vì học thêm mà điểm cao hơn, có nhiều kiến thức khác lạ hơn so với chương trình học. Một số không ít học sinh thiếu năng lực và phương pháp tự học, quen việc tiếp thu thụ động từ thày cô nên chọn con đường nhàn nhất là ngồi nghe, tích thiểu thành đa.
          Đối tác của chủ thể với động cơ nào mà say sưa, mà phấn chấn? Nhớ thời Cổ tích, khi ấy thày đến từng nhóm tự học để kèm trò không kể ngày đêm, không lấy một xu. Tổ chức lớp phụ đạo phải đi vận động từng em, đi xin điện về thắp sáng mới mong trò đến học. Bây giờ kinh tế thị trường bức xạ sang kinh tế học đường nên quy luật cung cầu, quy tắc giá trị và giá cả thể hiện rất rõ nét. Không chỉ thày dậy thêm mà những nhà kinh doanh dậy thêm cũng trăm hoa đua nở. Việc này nếu tuân thủ nguyên tắc hai bên cùng có lợi một cách chính đáng thì chưa đến nỗi phải bàn. Nhưng nếu là chiêu trò để trục lợi như dậy thêm những nội dung để kiếm tra, dùng áp lực đánh giá xếp loại… thì không thể chấp nhận được.
          Song hành với việc dậy thêm, học thêm là việc in ấn và phát hành tài liệu. Ai cũng có quyền biên soạn. Người dậy, cơ sở dậy cóp nhặt, sao chép, xào xáo thành một thứ gọi là Tài liệu để bán cho người học với giá giời ơi. Người soạn đưa vào tài liệu của mình những thứ kiến thức làm hoa mắt học sinh để thu hút. Việc này làm cho cái sự học vốn đã nặng nề, căng thẳng thêm phần nặng căng hơn và cũng mở ra một cửa hút tiền nữa cho hệ thống dậy thêm này.
          Nói đôi điều về ngành chủ quản cho thấu nhẽ việc đang bàn. Bộ giáo dục và nhiều sở địa phương cao rao cấm dậy thêm học thêm, cấm dậy chữ ở các lớp cuối mẫu giáo. Việc này đúng là đánh trống bỏ dùi theo cả nghĩa đen! Làm sao cấm nổi khi người thày còn có nhu cầu dậy thêm, học sinh và phụ huynh còn có nhu cầu học thêm. Hãy tìm mọi cách để xóa tận gốc các nhu cầu này. Chẳng hay có phải đó là thày còn chật vật trong cuộc sống? có phải học sinh thấy đói kiến thức khi phải cọ sát? Nếu giả định này là đúng thì hãy cho thày sống đủ hơn đi, cho trò học gì thi nấy đi! Còn điều này nữa cũng liên quan đến tâm lý và đời sống thày cô giáo không nhỏ; dó là đừng thay đổi một cách vô lối đến chính sách đãi ngộ. Chẳng hạn chế độ thâm niên lúc có lúc không, chính sách biên chế hay hợp đồng cứ ẩn hiện như ma ám…
          Nhìn việc học thêm, dậy thêm hiện nay mà chóng mặt. Đây là hiện tượng xã hội hay một cơn say?

2 nhận xét:

  1. Hình như các em không được khuyến khích tự học.Lại còn nhiều lý do khác khiến các em mãi nắm níu ở các lớp học thêm.
    Cảm ơn bác đã nêu và nhận định về vấn nạn học thêm,dạy thêm ngày nay còn phổ biến.
    Chúc bác an lạc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thi đệ chắc cũng có nhiều cháu phải tham gia vào guồng hoạt động này ? Thật là chóng mặt phải không ?

      Xóa