Góc nhìn
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đây là một trong những câu thơ lục bát tuyệt vời nói về cảnh vật trong
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Một câu thơ đẹp cả dáng lẫn hồn; vần điệu
mượt mà, tiểu đối chuẩn mực. Câu thơ bay vút lên trở thành một bức họa đồ hoàn
chỉnh đầy màu sắc, lung linh quyến rũ. Câu thơ đặt ta lọt thỏm vào giữa không
gian thực mà mơ, tĩnh mà động như sờ được mà rất huyền bí. Đấy, hồn Việt đấy,
tinh hoa Việt đấy. Chẳng thế mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phải thốt lên trong ca từ
bài hát “Tiếng nước tôi” như thế này:
“Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lửng lơ như tiến sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên”
Cô gái bên nhà mặn mà, có duyên đến thế mà
cũng chỉ được đứng thứ hai trong thứ bậc yêu đương! Nếu có ai đó nói thơ lục
bát là “Quốc thi” của người Việt Nam cũng không coi là ngoa ngôn lắm!
Bây giờ xin đứng dịch sang phía khác chút xíu và viết lại câu thơ trên:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc
Non phơi bóng vàng”
Ồ thì ra đây lại là một phiến khúc haiku tuyệt
vời; ba ngắt ý (hình ảnh) rạch ròi không thể chê vào đâu được. Ngắt ý một là một
ảnh ảo màu thanh thiên in trên đáy nước; ngắt ý hai là áng mây xanh ôm lấy bờ
thành; còn ngắt ý thứ ba là triền non được nắng tãi dát vàng. Ba hình ảnh này
không dính líu gì nhau nhưng lại níu tay nhau, ướp hương nhau nên một không
gian tuyệt vời của vẻ đẹp. Những khúc haiku hiện hữu ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên
để gửi gắm, hòa lòng vào trạng thái thanh thản có vẻ như chưa sánh kịp.
Nếu dùng hai cách nhìn này về một câu thơ mà cho rằng haiku và lục bát
có liên quan thì thật sai lầm; cụ Nguyễn Tiên Điền sẽ mắng cho không có đường
tránh. Đây chỉ là khúc nhàn đàm viết ra để mua vui!
Cảm ơn bác đã cho thưởng lãm vẻ đẹp từ hiện thực như tranh được chuyển tải qua tài hoa lục bát của cụ Nguyễn Du,và viết lại bắng phiến khúc Haiku vẫn bảo lưu được giá trị thẩm mỹ.
Trả lờiXóaKính chúc bác an lạc.
Cảm ơn thi đệ đến thăm, đọc và gửi nhận xét tỏ sự đồng cảm với bài viết !
Xóa