25 thg 5, 2020

Về một tập thơ





          Nâng trên tay tập thơ “Khơi nguồn” của câu lạc bộ thơ Haiku Việt Xứ Huế - Hội thơ Hương Giang mà sao cảm súc chộn rộn. Tập thơ vừa đủ dầy để nói lên cái tầm vóc của một cộng đồng thơ. Tập thơ trang nhã, dung dị đủ cho hay cái thâm trầm, tinh tế, lãng mạn của những con người Cố đô cổ kính và thơ mộng. Với một trăm trang in tròn trĩnh của mười lăm tác giả qua bốn trăm ba mươi phiến khúc thơ đã với tới nhiều cung bậc cảm súc với cuộc sống và thiên nhiên. Những đặc thù cơ bản của thể loại thơ mới mẻ từ xứ Mặt trời mọc, bén rễ tại Việt Nam và xứ Huế mộng mơ chưa lâu nhưng nó đã hiển hiện trong tập thơ đầu tay này một cách ung dung và tế nhị.
          Cái thâm trầm đến mức triết tưởng của thơ Haiku có lẽ dễ hòa nhịp cùng con người  Huế. Không cao rao mà cứ tưng tửng tự nhiên nói về lẽ sống:

“Tôi phơi vạt tình sầu
Trên dây đời
Nối hai đầu tử sinh”                                     (Ngàn Thương)
Hay:
“Vòng vũ trụ có – không
Tình – đời
Không – có”                                                 (Kim Đông)
          Thứ tình cảm lớn nhất trong mỗi chúng ta có lẽ là tình người. Không khó tìm trong tập thơ những khúc nói về điều ấy:

“Nửa trăng nghiêng đáy cốc
Nửa sầu thi sĩ
Em buồn trăng tịch mịch soi”                      (Kiều Trung Phương)
Hay:
“Lữ khách về
Bến vắng
Nước lao xao”                                              (Khánh Vân)
Và:
“kênh làng Hải Lệ
Con đò loang vết nhớ
Tuổi thơ về tắm gội giấc mơ”                      (Nhụy Nguyên)
Trong tình người, có tình yêu đôi lứa. Thì đây là nững phiến khúc như thế:

“Bài thơ cho em
Mang nỗi nhớ
Chiều không có em”                                  (Xuân Đài)
Hay:
“Anh là biển
Em là thuyền
Chênh chao thuyền đắm”      (Phương Võ Anh Lợi)
Và:
“Chưa gặp em
Cuồng say
Gót hài”                                                     (Trường Giang)
          Với Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của các tác giả tập thơ, ăm ắp tình cảm bộc bạch qua nhiều ngóc ngách rất ngọt, rất êm:

“Chiều Huế xuống êm
Dăm con Hạc về núi Phụng
Dáng chiều chợt nhớ chợt quên”               (Ngàn Thương)
Hay:
“Xứ Huế nhiều mưa
Thương lắm
Giọt nắng trưa muộn màng”                     (Viễn Tú)
Và :
“Mặc Tử với trăng
Vằng vặc chị Hằng
Trăng nhớ trăng”                                      (Nguyễn Nghi)
Và:
“Chiều nghiêng
Sóng vỗ Tam Giang
Nhớ người”                                              (Kim Đông)
Và nữa:
“bến đò Thừa Phủ mơ màng
Đồng Khánh – Quốc học
Rộn tình mênh mang”                             (Ái Nguyên)
Và lại nữa:
“Mùa trăng Thôn Vĩ
Hoa cau buồn
Nhớ người xưa”                                     (Nhụy Nguyên)
Huế cũng là một trong những trung tâm phật giáo của cả nước, điều này khiến cho người Huế khi nhăc đến xứ sở không thể quên được trong tiềm thức:

“Chuông chùa
Chạm hư vô
Đời nghiệt ngã”                                     (Lan Huyền)
          Được biết thành viên câu lạc bộ có rất nhiều nhà giáo. Vì vậy những bài thơ nói về nghề cao quý này thật trang thọng:

“Nhớ ơn
Người dậy
Cho ta làm người”                                (Đăng Nguyên)
Những nhà giáo gặp thơ Haiku sao mà vồ vập làm vậy, cứ như mối tình đầu ấy thôi:
“Vừa gặp đã trót yêu
Thử liều
Haiku”                                                  (Viễn Tú)
          Hầu hết thơ trong tập Khơi nguồn đều viết tự do trong nguyên tắc dưới mười bẩy âm tiết. Có vài tác giả biến khúc Haiku sang hình hài của một cặp lục bát:

“Trời Lạc Việt
Khải hoàn ca
Nghìn năm thoắt hiện cùng ta đi về”   (Kiều Trung Phương)
Hay:
“Sầu đong thả lọn tóc thề
Một mình ngồi hát
Càng tê tái lòng”                                  (Ngàn Thương)
Cách kết cấu này có thể có nhã ý kéo xích lại với nhau hai thể loại thơ chẳng có quan hệ gì nhưng là đặc trưng thơ của hai dân tộc Việt Nhật?
Một số bài lại dùng kết cấu cổ phong của thể loại Haiku. Có thể muốn cùng nhau ôn lại một hình thức của khúc thơ Nhật mà ngày nay ít dùng để tham khảo:

“Đếm bước nhặt thời gian
Tìm cho đủ bẩy màu lói lóa
Anh nhìn mình xa lạ”                     (Lý Viễn Giao)
          Tập thơ như những bông hoa đầu mùa rực rỡ khoe sắc, tỏa hương. Tập thơ như những nụ cười trên khuôn mặt rạng ngời của một câu lạc bộ đang tuổi thanh xuân. Mười lăm gốc hoa, bốn trăm ba mươi bông đủ màu sắc. Chỉ còn một chút băn khoăn này hay chăng sai đúng. Giá mà có nhiều hơn đã có những giọng ca nữ để cho âm thanh của dàn hợp ca hài hòa hơn thì hay biết mấy!        
          Gấp tập thơ lại sau khi đọc kỹ, ta có thể hình dung tầm vóc, sức vươn của một cộng đồng thơ. Họ đang khám phá và đang đi lên. Khúc Haiku do một tác giả đề tặng tập thơ:
“Khơi nguồn
Dòng tuôn
Biển lộng”                                       (Lý Viễn Giao)
vừa là hiện tại vừa là tương lai và vừa là ước vọng chung. Những người khơi nguồn đã khai trúng mạch rồi, dòng thơ, dòng sức sống đang tuôn chẩy. Nó sẽ chẩy ra suối, ra sông và hòa cùng biển cả mênh mông đó!

   





        





  

21 thg 5, 2020

Nỗi nhớ màu tím



Lại một mùa hoa tím ngợp đường
Hè về dìu dặt nắng đơm hương
Bằng lăng với gió lay từng đóa
Lay nhớ nhung lòng dâng khói sương

Ta về mùa cũ sống đi em
Tím ngắt bờ hoa bước áo mềm
Bỏ mặc tháng năm hờ hững bước
Cứ thắm môi cười nâng bước êm

Áo tím em đi khuất nẻo đồi
Để màu hoa lại với đơn côi
Để tiếng ve chùng rơi lỡ nhịp
Để bước hôn hoàng tím lẻ loi

Vẫn biết rằng em chẳng trở về
Mà sao nỗi nhớ cứ lê thê
Mỗi đận bằng lăng khoe cánh tím
Vẫn tím lòng tôi tím tiếng ve.



15 thg 5, 2020

Boa, típ - Loạn xì ngầu



Trong cuộc sống hiện tại, ngành dịch vụ nở bung ra đa dạng, đa chiều. Đi cùng với hiện trạng này, nhiều khái niệm, hành vi mới cũng được hình thành. Một trong số đó là việc “boa” (còn gọi là bo, pourboire) hay “típ” đối với những người làm dịch vụ có chất lượng tốt đem lại sự hài lòng cho đối tượng phục vụ của mình. Tiền mà “thượng đế” boa, típ nói dễ hiểu là tiền thưởng, nó nằm ngoài giá cả, nó nằm trong phạm trù giá trị cao trên mức bình thường. Ở Việt Nam khái niệm và hành vi này cứ coi là còn mới, nó chỉ xuất hiện sau khi bỏ chế độ bao cấp nên nhiều lúc còn bỡ ngỡ trong thực hiện là điều dễ hiểu.
         Vào cửa hàng ăn uống, với những nhân viên phục vụ chu đáo, văn minh; thực khách boa cho họ là rất nên. Việc này có thể công khai hay tế nhị, kín đáo kẹp trong tập hóa đơn thanh toán. Khi đi du lịch, với những hướng dẫn viên và lái xe hết sức chu đáo trong công việc của mình mà hành khách không “típ” coi như là vô tâm. Trong nhiều trường hợp khác như vui chơi, giải trí, thư giãn, làm đẹp … cũng vậy thôi. Nên coi việc boa, típ thành một hành vi văn hóa làm đẹp cho quan hệ con người với con người, góp phần làm đẹp xã hội.
          Ở đời, việc gì cũng vậy; nếu làm không đúng chẳng những không mang lại điều tốt đẹp mà còn trở nên vô duyên, vô nghĩa. Nhiều khi việc boa, típ chỉ là sự thể hiện bản thân không cần biết đến chất lượng dịch vụ. Cùng tham gia một dịch vụ nhưng mỗi người nhận được chất lượng phục vụ khác nhau, cảm nhận sự hài lòng khác nhau, có nên nhất thiết ai cũng phải típ không? Có một thông lệ vô lối trong các tour du lịch là một người được ngầm chỉ định đứng ra thu tiền của tất cả mọi người, bất chấp sự không hài lòng về chất lượng phục vụ của những người cùng chuyến đi ấy. Cao hơn thế nữa, trước khi khởi hành, du khách đã được rỉ tai nhẩm tính trước tiền típ vào tổng số tiền phải chi cho cuộc đi trong khi chưa biết cung cách phục vụ trong chuyến đi như thế nào.
          Đừng biến cái không nhất thiết thành cái nhất thiết. Đừng áp đặt suy nghĩ và việc làm của một số người thành của mọi người. Làm vậy là thiếu tôn trọng người khác chứ không phải là sành điệu, thời thượng gì đâu.                        



10 thg 5, 2020

An nhiên




Nói bằng lời nói người câm
Gọi về chồi non trổ biếc
Nghe bằng tai nghe người điếc
Lắng cùng lời gió vi vu
Nhìn bằng con mắt người mù
Lay thức bình minh phơi dáng
Ba lô phai nhàu năm tháng
An nhiên bước giữa vô thường