30 thg 9, 2021

                         Vẫn rườm lời rậm chữ


Thường thấy trên màn hình hay trang báo, khi đưa lên một nhân vật nào đó, ngoài chức danh còn có cả một lô học hàm, học vị. Đôi khi nhân vật ấy mang nhiều chức danh cũng liệt kê ra hết trước khi nêu danh xưng. Thiết nghĩ, làm như vậy chẳng những rườm tai, rối mắt mà còn tạo nên một “Hiệu ứng bằng cấp” cho xã hội, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy ngầm khôn lường.

     Trường hợp nhân vật xuất hiện với tư cách đứng đầu một cơ quan hay đơn vị, chỉ cần nói đến chức danh bởi lẽ để có chức danh ấy, nhân vật phải đạt mọi điều kiện cần và đủ về tài đức, trong đó có cả học hàm, học vị rồi. Như thường nói “Giáo sư, tiến sĩ khoa học, bộ trưởng X” hay “Phó giáo sư, tiến sĩ, vụ trưởng Y” là quá rườm rà. Ở đây, nhân vật đại diện cho đơn vị, cơ quan chứ không cho tri thức mà người ấy có.

     Khi một người làm kiêm hai chức vụ như bí thư kiêm chủ tịch, bộ trưởng kiêm bí thư đảng đoàn, bí thư đảng ủy kiêm giám đốc…chẳng hạn. Nếu xuất hiện trong trường hợp thuộc về lĩnh vực nào, chỉ cần nêu chức danh phù hợp thôi. Đến dự và chỉ đạo một hội nghị về đảng, sẽ nói (và viết) “Đồng chí A, bí thư…” còn khi xuất hiện trong giao ban, triển khai công việc, phân công trách nhiệm, chống dịch covid… chẳng hạn lại chỉ cần nói “Ông B, chủ tịch, giám đốc…” là đủ và đẹp.

     Có khi nào cần nêu học hàm, học vị hay tất cả chức vụ của một người không? Có đấy.

Trong một hội nghị chuyên môn hay viết về chuyên môn; những chuyên viên, chuyên gia, cố vấn hoặc các “nhà” xuất hiện trên diễn đàn (Nhà nghiên cứu X, nhà khảo cổ Y, nhà giáo Z…) điều này lại rất cần. Những học hàm, học vị của nhân vật tăng độ tin cậy cho bài viết hay lời phát biểu.

Khi một nhân vật được giới thiệu trong sự kiện hoặc đại diện cho quyền lực của đơn vị, địa phương xuất hiện trước công chúng hay đàm phán với đơn vị, địa phương khác lại rất nên nêu hết mọi chức vụ để thêm phần quan trọng.

     Vài suy nghĩ nhỏ xin trao đổi để ngẫm thôi, không dám mong có sự thay đổi nào.

 

26 thg 9, 2021

                                     Hoa lửa 




Mảnh mai như giọt nụ hồng

Nồng nàn bóng ngậm bềnh bồng gió lay

Lặng thầm tỏa sáng khơi say

Trái tim yêu cũng màu này lung linh.



22 thg 9, 2021

                                 Thu nay 



Trời biếc mơ màng hong nắng hanh
Hồ xa dan díu sóng long lanh
Lá dẫu cô đơn ngoài phố vắng
Thu vẫn thu đầy xanh mắt xanh

9 thg 9, 2021

                               Nhất gầm giời


 10.000 công nhân vệ sinh ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, đã lập kỉ lục thế giới khi trong 3 phút đã quét sạch con đường tại lễ hội hành hương Kumbh Mela vào ngày 2/3/2019. Ảnh: Twitter.

 Jack Tsonis và Lindsay Morrison lập kỉ lục thế giới ở Sydney (Úc) nhờ cái bắt tay lâu nhất, kéo dài 12 tiếng. Ảnh: Reuters.

 Jyoti Amge,19 tuổi, đến từ Nagpur, Ấn Độ, lập kỉ lục là người phụ nữ thấp nhất còn sống. Cô chỉ cao 62,7cm. Ảnh: Reuters. 


 Đây là chiếc vali kéo lớn nhất thế giới với chiều cao 175cm, ngang 115cm, sâu 46cm. Ảnh: Reuters. 

 

5 thg 9, 2021

                                  Học Hành



Tập làm giám viên

Điều hành xe cộ

Dẫn người đi bộ

Qua lại an toàn

 

Rèn tính chăm ngoan

Thêm kỹ năng sống

Trồng người sinh động

Hành học học hành



2 thg 9, 2021

                                   Tuyệt vời

Có một đôi câu đối cổ đọc lên hơi bị trúc trắc nhưng rất chi là hay:

                 “Con ngựa đá không đá con ngựa, đá con đá con ngựa đá

                 Thằng mù nhìn đếch nhìn thằng mù, nhìn thằng nhìn thằng mù nhìn”

Câu thứ nhất có nghĩa là con ngựa tạc bằng đá chẳng bao giờ đá con ngựa thật mà ta nuôi hoặc sống hoang dã (Thực ra nó chẳng đá cái gì). Nhưng nó sẽ đá con ngựa hay bất cứ con vật nào đá nó bởi sẽ bị đau không khác gì nó đá cho.  Câu hai nói rằng thằng mù nhìn (Người nộm, thường làm bằng rơm, dùng để dọa chim chuột phá hại hoa màu) không nhìn người mù (Thực ra nó chẳng nhìn cái gì) mà chỉ nhìn ai hoặc bất kỳ con vật nào nhìn nó (Như con chim, con chuột, thậm chí con người nhìn nó lâu cũng có cảm giác như nó nhìn lại). Câu đối hoàn chỉnh và khéo sử dụng ngôn ngữ đến nỗi không còn nói vào đâu được nữa.

          Hãy không bàn đến cái hay, cái tài thể hiện ở hình thức đôi câu đối, chỉ xin suy nghĩ về nội dung của cặp đối này. Câu đối nói lên một quy luật phổ quát cho cả khoa học tự nhiên lẫn xã hội. Không hiểu khi Newton phát minh định luật thứ ba của mình rằng “Nếu vật A tác động lên vật B một lực thì ngược lại B cũng tác dụng lên A một lực bằng như thế nhưng ngược chiều” (F1=-F2) có tìm hiểu trước câu đối này không? Hoặc ai đó nói “Nếu mi không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến mi” chắc đã hiểu rất sâu ý nghĩa của câu đối này rồi thì phải!

          Thật là một câu đối hay hết chỗ nói phải không?