Khơi tiếp nguồn thơ
Thế là tập thơ Khơi Nguồn 2 của câu lạc bộ thơ Haiku Xứ Huế đã chính thức
ra mắt bạn bè và độc giả. Tập thơ vẫn trang nhã giản dị như những người làm nên
nó. So với tập trước, không dầy hơn, không đông hơn nhưng nặng hơn! Sức nặng ấy
tạo nên từ chất lượng thơ. Bây giờ suy tư đã chín, tình yêu đã dầy, triết tưởng
đã sâu hơn. Bây giờ con chữ đã cô đọng cõng nhiều ý hơn. Và bây giờ tính Haiku
cũng được nâng tầm trong mỗi phiến khúc cao hơn xưa đáng kể rồi.
Thì vẫn bởi yêu thơ, dùng thơ làm sợi duyên
kết nối nhau trong cuộc sống:
Hoa thơ
Gió quyện tháng ngày
Tri âm. (Kim
Đông)
Và vẫn cặm cụi tìm tòi, khảng định mình đang ở chặng xuất phát trên con
dường ấy:
Haiku nhật Việt
Dệt chương vần tứ
Khơi nguồn. (Đặng Nguyên)
Hãy dạo quanh một vòng trong vườn hoa KHƠI NGUỒN thứ hai này để ngắm
nghía màu sắc, thưởng thức hương thơm của từng đóa, từng đóa.
Tình yêu vốn dĩ muôn thuở có mặt trong thơ.
Yêu quê hương, đất nước là tình cảm chung của mọi người. Người làm thơ Haiku
nói lên điều này bằng cách riêng của mình:
Chiều nghiêng
Giọt nắng rơi thềm
Tình quê. (Ái
Nguyên)
Hay nói gần hơn về xứ sở bằng
những nét rất riêng để gửi cả nỗi niềm vào:
Nắng tháng năm
Gió Lào
Mòn chân rạ.
Nắng đồng
Lưng mẹ
Lúa chiêm. (Thọ Chu)
Với Huế, những phiến khúc nói
về cố đô hình như long lanh hơn, có gì da diết nằm sâu trong đó. Có phải vì đây
là mảnh vườn gieo dưỡng những bông hoa này chăng:
Vĩ Dạ vườn xưa
Sương vương lệ trúc
Trăng quàng cổ thi.
(Thanh Minh)
Hương Giang soi bóng
Phượng hồng
Chờ ai. (Nguyễn
Nghi)
Hoàng thành phượng rực đỏ
Ve râm ran
Nắng vỡ. (Ngàn
Thương)
Ánh mắt dòng Hương
Soi gương
Dấu cũ. (Lý Viễn
Giao)
Có lẽ do đặc thù của mình, thơ
Haiku nói về tình yêu lứa đôi cũng giấu khéo lắm. Người đọc phải tinh ý mới lôi
ra được nét tế nhị gửi gắm trong ấy:
Trinh nữ ru hồn
Lâng bút ngọc
Thi sĩ say.
Xuân thì lộ nét
Nguyên sơ
Hương đời.
(Trương Giang)
Hoa mười giờ
Nở thắm ban trưa
Sắc thì con gái.
(Quỳnh Trâm)
Trong những huyền
tích để lại nơi thần kinh này, chùa Thiên Mụ là một điểm sáng long lanh. Từ đây
hào quang Phật giáo tỏa sáng không chỉ từ tiếng chuông ngân nga lan trên mặt nước
dòng Hương mà từ cả ánh mắt tán xanh Bồ đề, cổ Tháp rêu phong… Người xứ Huế dường
như được tắm mình trong không gian nhẹ nhàng, thâm u của Phật tuệ. Hãy đọc
trong thơ Haiku mà xem:
Cội Bồ đề
Chén trà sớm
An trú tịnh tâm.
(Đăng Nguyên)
Huyền không
Mây quyện khói trầm
Xả buông.
(Nguyễn Nghi)
Ngôi chùa cổ
Không sắc tướng
Uy nghi. (Ngàn
Thương)
Thể thơ nào cũng là
sự gửi gắm, gửi gắm đủ điều. Thơ Haiku gửi gắm suy tư thì thật là kỳ bí bởi nó
rất kiệm lời. Mỗi con chữ cõng trên lưng sức nặng lớn hơn nó nhiều. Khi đọc
cũng phải xoay nhiều góc để nhìn ngõ hầu mới thấu đáo:
Chiều biển vắng
Dấu chân đọng lại
Còn mãi một bón hình.
(Nhiên Hữu)
Nhìn hạt sương
Soi gương
Thấy rõ ta khi ta chưa sinh.
(Thảo Lê)
Đêm
Chao nghiêng
Nỗi nhớ. (Hồng Ngọc)
Cúi đầu
Bình lặng
Ta trong ta. (Thúy Vinh)
Cái nghiệp đời đeo đẳng
đến nỗi ám cả nghiệp thơ. Nó phảng phất trong một số khúc thơ, nó rõ nét nhất
trong thơ của nhà giáo Kim Đông. Đọc đến, những ai cùng đeo nghiệp này có lẽ
không thể không thấy mình trong đó:
Bụi phấn bay
Tóc trắng
Tình thương mộng đầy.
Hoặc
Con đò ấy
Một thời lử cháy
Dòng sông trong veo.
(Lý Viễn Giao)
Khơi Nguồn 2 ra đời
trong mùa covid. Đừng nói những trang thơ bị nhiễm vỉrus mà chính các haijin cầm
tay kẹo nó về để nhủ nhau tỉnh táo, bình tĩnh, vững lòng phòng chống và tri ân
những người trên tuyến đầu:
Covid rối bời
Chung tay đời
Mãi xanh. (Xuân Đài)
Thiên thần áo trắng
Lên tuyến đầu chống dịch
Sáng ngời.
(Hồng Ngọc)
Hoa nở về đêm
Không thể êm đềm
Covid. (Thúy
Vinh)
Tập thơ ra đời trong hoàn cảnh dịch bệnh
khó khăn này là sự cố gắng dáng nể của câu lạc bộ, của ban biên tập. Không thể
nói khác đi về nhiệt huyết của người với thơ. Cũng không thể không tin vào những
bước đi tiếp theo của những người con Xứ Huế. Mong được thưởng thức tiếp thơ mà
các anh chị đang tiếp tục khơi nguồn. Nguồn ấy, dòng ấy chắc chắn sẽ ngày càng
trong hơn, ngọt hơn hôm nay.