30 thg 8, 2022

                            Nhặt nhạnh




   Tôi chưa hề mở lời nói một câu với ai khi gặp họ trên đường tản bộ, nhưng  phải giơ tay đáp lễ với rất nhiều bàn tay giơ lên cùng ánh mắt thân thiện gần như là cười của họ. Ban đầu cũng hơi bỡ ngỡ về chuyện này nhưng sau quen dần, cũng có khi chủ động giơ tay chào trước khi hai ánh mắt vui chạm nhau. Nếu ai đó đã từng gặp đôi lần thì ngay cả khi họ ngồi lái trong xe cũng xua tay chào mình. Hình ảnh chó cưng và người dung dăng trên hè như là nét đặc trưng của xứ sở thì phải; lúc nào và ở đâu ta cũng có thể bắt gặp. Một lần tôi thấy trên khúc đường vắng, một chú chó bậy ra vỉa hè; chủ nhân móc ngay găng tay nhặt lấy bỏ vào túi mang đi mặc dù không ai có mặt gần đó.
          Phải nói “xe trôi” trên đường thì đúng hơn bảo “xe chạy”. Cũng có lúc dòng xe trôi nườm nượp nhưng tiếng ồn lại quá khiêm tốn. Tôi chưa từng được nghe thấy tiếng còi xe bao giờ. Nói vui chút xíu, lâu lâu cũng nhớ tiếng còi xe quê mình, nhất là tiếng còi hơi của đại xa xen vào giấc ngủ đêm đêm! Một lần tôi đứng lưỡng lự bên đường, nơi không có chỉ dẫn sang ngang, mấy chiếc xe hơi đến gần đi chậm hẳn lại, hình như họ sợ tôi bất chợt vượt qua thì phải. Có một lần, trước khi xe lăn bánh, tôi hỏi người cầm lái về khoảng cách tới điểm đến và được nghe câu trả lời hơi bị lạ tai : “Khoảng chừng một tiếng ạ !” Ồ thì ra ở đây người ta dùng đơn vị thời gian để đo quãng đường ! Sau đó gẫm lại, dùng cách tư duy chẳng giống ai của mình để tự lý giải và hiểu rằng vì tình trạng đi đường của xe khá ổn định nên thời gian đi cũng không sai lệch bao lăm, việc chuyển đổi đơn vị đo vẫn coi như “có lý”. Mà quả thật, trên những đoạn đường ít ỏi đã đi, tôi không hề nhìn thấy bóng dáng một “cột cây số” nào; còn câu trả lời của người kia cũng rất chi là “Einstein” thôi mà !
          Một lần khác, ở ngã rẽ gần siêu thị, tôi thấy hai mẹ con một thiếu phụ đứng bên cạnh tấm bìa có viết dòng chữ “please help !”. Tôi đặt vào tay người mẹ tờ giấy một đồng và ngạc nhiên khi thấy chị trao lại tôi bông hồng tươi đỏ thắm bọc ni lông rút ra từ trong túi đeo trên vai. Tôi mỉm cười gật đầu nhận hoa, mang về cắm vào bình, đặt trên bàn cho đến mấy ngày sau. Lần khác, trên một đoạn đường khác, tôi thấy một tốp chừng dăm bẩy người đứng lặng lẽ trên thành cầu mang theo một tấm biểu ngữ gì đó. Hỏi ra mới biết họ đang biểu tình! Nghe đâu ở đây chuyện này không có gì đặc biệt. Có khi chỉ là một bức súc không lớn của một cộng đồng không đông, người ta cũng thể hiện tâm trạng và nhu cầu bằng cách này.
          Chưa dám đi sâu, đi xa xía vào những chuyện mình mới lơ mơ lờ mờ. Chỉ là nhặt nhạnh đôi điều mắt thấy tai nghe trên những cung đường cũng chưa dài, thế thôi. Ở Việt Nam, những điều này cũng đang thấp thoáng ẩn hiện đôi lúc , đôi nơi. Hy vọng một mai tôi cũng thấy nó như đã thấy ở xứ người bây giờ !

2 nhận xét:

  1. Văn hóa ứng xử thể hiện lối sống được hình thành qua các mô hình giáo dục xã hội,do nhận thức của mỗi người thể hiện qua hành vi.
    Văn hóa là tâm thức cộng đồng,đời sống tinh thần càng cao thì văn hóa càng cao.
    Em sống bằng nghề buôn bán ở ngoài chợ,hàng ngày mắt thấy tai nghe lắm chuyện "thiếu văn hóa",đanh như đui như điếc.
    Có một cô gái khoảng ngoài 30 phản ứng khi bị ông quản lý chợ gần 70 nhắc nhở vì để xe giữa đường gây cản trở sự đi lại,cô ấy đã hàm hồ tru tréo"Tao để xe giữa chợ,chứ có để xe trên bàn thờ nhà mày đâu..."
    Sự giáo dục từ gia đình đến giáo dục nhà trường,và cả sự tự giáo dục bản thân ở nước mình vẫn còn lắm băn khoăn...
    Cảm ơn Bác đã chia sẻ,Kính chúc Bác thường an.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không thể tưởng tượng nổi một số hành vi và ứng sử hiện nay trong xã hội ta. Nó được hình thành bởi sự buông lơi và bất cập của giáo dục và quản lý xã hội. Có thể rồi cũng có sự thay đổi nhưng không thể mong điều ấy diễn ra một sớm một chiều. Cảm ơn thi nhân ghé thăm, đọc và để lại lời bình !

      Xóa