8 thg 8, 2021

                        Dầy lời-Rậm chữ


Ngôn từ, văn tự là phương tiện giao tiếp giữa con người với nhau. Mỗi chữ, mỗi lời, mỗi câu hàm chứa một hiện tượng hay sự vật. Khi trao đổi thông tin, ngày càng có xu hướng kiệm chữ, kiệm lời nhưng vẫn mang đầy đủ nội dung một cách chính xác.

          Trước đây, khi ngành giáo dục thay đổi tên gọi cho các trường học trong bậc phổ thông từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 sang thành mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, tôi đã đề xuất ý kiến riêng cho rằng việc đó không cần thiết. Cứ giữ nguyên tên gọi cũ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc cải cách chương trình, nội dung và phương pháp dậy cũng như học. Vả lại cách gọi này rất kiệm lời, kiệm chữ.

          Hiện tại, covid đang diễn biến hết sức phức tạp ở khắp nơi. Nhiều từ hay cụm từ mới xuất hiện liên quan đến dịch bệnh này. Có những cụm từ rất gọn, rất hay và rất kiệm xuất hiện từ trong quá trình chống dịch. Chẳng hạn “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, “Luồng xanh”, “Vùng xanh” hay “năm k” … Chỉ nghe là hiểu mà rất ít lời, it chữ.

          Có điều này nên chăng cần suy nghĩ để thay đổi. Từ khi có dịch bùng phát, chính phủ ban hành nhiều chỉ thị liên quan đến việc chỉ đạo chống dịch. Nổi bật là các chỉ thị 16, 15 và 19 (loáng thoáng đôi lúc nghe như có cả chỉ thị 17, chỉ thị 16 bổ sung nữa). Mỗi chỉ thị có yêu cầu cao thấp khác nhau về mức độ giãn cách xã hội với nhiều quy định cụ thể. Các chỉ thị này không theo trình tự mức độ mà theo tên ban hành. Chỉ thị 16 có nội dung yêu cầu cao nhất, chỉ thị 19 thấp nhất. Điều này khiến người thực thi đôi khi có sự lẫn lộn, khó nhớ. Thiển nghĩ nên chuyển các chỉ thị thành các mức độ (gọi là mức, cấp hay độ…gì đó) theo thứ tự từ thấp đến cao (hay ngược lại). Khi nghe nói giãn cách độ 1, giãn cách độ 2… dân sẽ hình dung ra ngay sự nguy hiểm nằm ở cấp độ nào rồi. Vẫn biết ý kiến này chỉ là một viên sỏi nhỏ ném xuống hồ nước rộng, nhưng chí ít nó là suy nghĩ  của một công dân yêu nước muốn đóng góp.       


 

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác đã bàn.
    Em cũng có lúc hơi khó chịu khi đọc các văn bản nhà nước lại sử dụng ngôn từ thiếu sự minh bạch.
    Kính chúc bác bình an.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn thi nhân đồng cảm, mong đệ luôn vui !

      Xóa