25 thg 3, 2021

                                 Nụ tầm xuân

Có một bài ca dao trong kho tàng văn chương truyền miệng mà mỗi khi đọc ai cũng phải nao lòng:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em đã có chồng anh tiếc lắm thay

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thủa nào ra”

          Xin không bàn về cái hay trong ý tứ, cái đẹp trong ngôn từ và cấu trúc. Chỉ lạm đàm về một ý mà đôi lần đã thấy được bàn. Ý ấy nằm trong câu “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”!

          Tầm xuân rất giống với hồng nhưng lá và hoa đều nhỏ hơn, thân cành cũng nhiều gai, có khi leo dài thành phên giậu. Hoa tầm xuân có mầu hồng nhạt, hương thơm nhẹ. Đi bên bờ tầm xuân ngửi mùi hương ấy, mắt nhìn bướm bay dập dờn, tai nghe tiếng Khuyên hót vọng ra từ trong bụi ngân theo gió sớm dễ nghĩ mình đi trong mơ.

          Cái ý có vẻ như nghịch lý, nghịch nhĩ muốn bàn thêm là tại sao nụ tầm xuân lại nở ra xanh biếc? Phải là nở ra hồng nhạt hay phớt hồng chứ!

Vâng, nếu nụ tầm xuân nở ra hoa, ắt hoa phải có màu ấy. Ở đây nụ tầm xuân được nở ra thì mầu sắc xanh biếc của nụ có gì sai! Vậy vấn đề cơ yếu cần bàn “Nở ra” là nội động từ hay ngoại động từ mà thôi. Có lẽ nên hiểu:

                “Nụ tầm xuân (được) nở ra (từ cành) (có màu) xanh biếc

chứ không thể hiểu:

                “Nụ tầm xuân nở ra (hoa có màu) xanh biếc

          Trong văn cảnh của bài ca dao, người con trai “Trèo lên”, “Bước xuống” miệt mài để tìm hoa, tìm nụ thì hoa nụ vẫn hiển hiện đây. Chỉ có thứ “hoa, nụ” đích thực mà lòng anh muốn tìm lại không còn (em đã có chồng) để anh tiếc nuối. Vậy có thể hiểu trước mắt chàng trai, đây là hoa bưởi, là nụ tầm xuân chứ không phải nói đến thứ mà hoa bưởi hay nụ tầm xuân sinh ra! (Quả bưởi hay hoa tầm xuân)

 

          Bàn luận đôi điều, chẳng hiểu đã thấu nhẽ chưa, mong được lượng thứ !

         

 

 

5 nhận xét:

  1. MN ghé chú đọc bài và có chút ý như chú nói Nụ tầm xuân nở ra có màu hồng có hương thơm nhẹ là đúng nhưng nụ tầm xuân của bài này MN nghĩ tác giả ví người con gái đó như "Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.
    Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay" MN mạo muội vài lời có sai xin chú bỏ qua cho MN nhé. Kính chú an lạc ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nụ tầm xuăn nở ra hoa thì hoa có màu phớt hồng, còn nụ tầm xuân được nở ra thì nụ ấy xanh biếc !Cảm ơn cháu đến thăm và gửi lời trao đôi !

      Xóa
  2. Chàng trai đến tuổi ái tình khát khao,lăng xăng ngược xuôi tìm kiếm.Khi trèo lê cây bưởi hái hoa,lúc xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.Nhưng có một nụ tầm xuân sờ sờ trước mắt,ra vào thường gặp,mà lòng mãi bàng quan,không hề ngó ngàng đến.Bởi nụ tầm xuân mới chớm nở,vừa hé nở,cánh đài bao quanh còn xanh biếc,còn non tơ.Cô bé nhà bên vẫn khúc khích cười khi gặp,khi chào thưa...vẫn còn thơ dại.Tìm gần chưa thỏa,lại đi tìm xa...Một hôm ngoảnh lại nụ hoa nở ra còn xanh biếc,nay đã lên xe hoa,cô bé khúc khích hồn nhiên cười hôm nào nay đã có chồng...Chưa kịp ngỏ lơi,nay còn bị trách cứ..."Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không...."
    Sự nuối tiếc bao giờ cũng vậy.Khi đang ở trong tầm tay với,không nhận ra giá trị của nó để trân trọng.Đến lúc rời xa,tất cả đã muộn màng,niềm hối tiếc dày vò...
    Ở đời vẫn thế,con người luôn chạy theo những dự phóng ở tương lai,đổi bắt những hình bóng trong tâm trí vọng tưởng,mà bỏ quên,mà xao lãng những gì trong hiện tại có thể tiếp xúc,làm nên sự sống viên mãn.
    Sự nuối tiếc mãi còn tiếp tục,nếu chưa học được bài học đích thực từ cuộc sống đã trải qua,đã chiêm nghiêm.
    Em xin góp vài lời theo cái nhìn chủ quan.
    Kính chúc bác thường an.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em gõ vội,có vài lỗi chính tả như lên,gõ là lê;đuổi gõ là đổi...
      Mong bác thông cảm.

      Xóa
    2. Cảm ơn thi nhân tham gia bàn luận. Lời bàn thật thấu đáo, tinh tế. Mong đệ luôn vui !

      Xóa