7 thg 2, 2021

                                                                   Câu đối tết xưa



          Trước thềm xuân, ít ai không nghĩ về chuyện cũ, về những mùa xuân đã qua, nhất là những người đã nếm trải nhiều năm tháng. Trong số những điều nhớ ấy, hẳn ta không quên những đôi câu đối nôm thú vị về tết.

          Có lẽ quen thuộc vào bậc nhất là cặp đối : 

                              « Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

                                 Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh »

Chỉ vỏn vẹn mười bốn âm tiết trong hai vế, câu đối đã gói trọn cả hồn cốt của ngày tết xưa. Thôi thì đủ cả hương vị, màu sắc và nghe đâu đó có cả tiếng nói cười nữa chứ. Rõ là khéo và thật là tài hết chỗ nói !

Vế thứ hai hay đến thế, ấy vậy mà đôi khi cứ bị thay đổi chẳng hiểu vì cái cớ gì :

                              « Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh » !

« Thịt mỡ » đối với « Nêu cao », « dưa hành » đối với « Pháo nổ » không thể chê vào đâu được. Vừa đẹp luật bằng trắc, vừa quá hay về loại từ. « Thịt » và « Nêu » là hai danh từ còn « Mỡ » và « Cao » bây giờ trở thành phụ từ nói rõ về hai từ ấy (Chứ không phải « Nêu cao » là giương cao lên). Cũng như thế, « Dưa » và « Pháo » là hai danh từ, « Hành » và « Nổ » cho hay loại dưa, loại pháo mà thôi (Dưa gì, dưa hành. Pháo gì, pháo nổ chứ không phải pháo hoa, pháo đất hay pháo tay … « Pháo nổ » ở đây tuyệt nhiên không phải là pháo bị đốt rồi nổ). Nếu đổi đi như nói ở trên, « thịt mỡ » không thể đối với « Cây nêu » và « Tràng pháo » không thể đối với « Dưa hành » vì « cây nêu » và « tràng pháo » đều là danh từ kép (gồm hai âm tiết) trong khi « nêu cao », « pháo nổ » là danh từ có tính từ (cao và nổ) phụ trợ cho rõ nghĩa. Vả lại xét về luật bằng trắc thì cách thay đối ấy làm cho tính đối cũng chỉ còn được nửa phần vì « tràng pháo » có một âm bằng trong khi yêu cầu chặt chẽ, cả hai cùng phải là âm trắc !

          Nhân hứng, xin nêu thêm vài câu đối tết thú vị, vui tai nữa để cùng thưởng thức :

                    « Tối ba mươi ních cửa càn khôn, khép chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới

                    Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ bế xuân vào »

 

                    « Đêm ba mươi nghe tiếng pháo nổ đùng, ơ ơ tết

                    Ngày mồng mọt chạm cành nêu đánh kịch, à à xuân »

 

                    « Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó

                    Ta đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại năm mèo »                   

          Mùa xuân, ngày tháng dài rộng, ngồi thưởng xuân ngắm mai đào khoe sắc, xin mời bạn bè cùng nhâm nhi chén xuân và cho ý kiến về những điều có thể là chưa được trên đây.




4 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác đã bàn về câu đối tết.
    Kính bác thường an.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vui chút xíu trong khi chờ mùa xuân đến ấy mà thi nhân ới !

      Xóa
  2. Cái sự thể "tam sao thất bổn" trong văn học luôn diễn ra.
    Xin phép Bác cho em mang về trang nhà để mọi người cùng đọc.
    Kính chúc bác ngày mới nhiều vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn thi nhân đã ưu ái. Chúc đệ một mùa xuân tràn đầy niềm vui !

      Xóa