Câu đối là một loại
hình văn chương rất gắn bó với đời sống người Việt. Nơi thờ tự, cuộc khánh
thành hay buổi nghinh lễ xưa nay ít khi vắng bóng đôi câu đối. Trong thơ phú,
câu đối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật làm sang trọng thêm câu chữ và
thâm thúy thêm ý tứ.
Trong thơ Đường luật, các cặp thực và luận,
bắt buộc phải là câu đối rồi :
… « Rượu
ngon nhấp giọng đưa vài chén
Bút mới xô tay thử
mấy hàng
Ngoài ngõ nhấp
nhô cò Cụ tổng
Cách ao lẹt đẹt
pháo Thày nhang » … (Khai bút –
Nguyễn Khuyến)
Thơ song thất lục
bát hay lục bát cũng hay sử dụng ý đối trong từng cặp câu :
… « Hoa giãi
nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa
hoa thắm từng bông » … (Chinh Phụ
Ngâm – Đoàn Thị Điểm)
… « Áng đào
kiểm đâm bông não chúng
Khóe thu ba gợn
sóng khuynh thành » …
… « Câu cẩm
tú đàn anh Họ Lý
Nét đan thanh bậc
chị Chàng Vương » … (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)
Hay trong một
dòng thơ cũng có tiểu đối :
… « Cát vàng
cồn nọ, bụi hồng dặm kia » …
… « Thành
xây khói biếc, non phơi bóng vàng » …
… « Côn quyền
ngang sức, lược thao gồm tài » … (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
… « Phép công là
trọng, niềm tây xá nào » … (Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm)
… « Tây Thi
mất vía, Hằng Nga giật mình » (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)
Với câu đối, những yếu tố không thể bỏ qua
là số lượng từ phải bằng nhau, cùng loại từ đối nhau, bằng trắc đối nhau. Sự hiểm
hóc nằm ở chỗ dùng từ mà nó có thể giữ vai trò của nhiều loại từ (danh từ, động
từ …)
Đã một thời gian khá xa, trên trang blog của
Hải Xuân có lôi về một vế xuất : « Văn như Văn Như Cương ». Cái
oái oăm nằm nơi chữ « như ». Ở vị trí thứ nhất nó là từ dùng so sánh
(như = bằng nhau = giống nhau…), ở vị trí thứ hai nó lại là một thành phần
trong tên người ! Bỉ nho đã mạo muội dối : « Võ nguyên Võ
Nguyên Giáp ». Chữ nguyên thứ nhất cũng là so sánh thứ bậc (nguyên = đầu =
đứng đầu …). Cặp đối ấy là :
« Văn như
Văn Như Cương
Võ nguyên Võ
Nguyên Giáp »
Gần đây, trên
trang Facebook cùa mình, Hạt Cát Diệu Sinh cũng kéo về một vế xuất hiểm hóc
hơn : « hổ mang bò lên núi ». Ở đây Hổ mang là danh từ chỉ một
loại rắn nhưng nếu tách riêng ra, mang là động từ (mang = tha = đem…). Bò cũng
vậy, nó là động từ nhưng cũng là danh từ (con bò). Vậy vế này có thể hiểu theo
hai nghĩa : Một là con rắn hổ mang bò lên núi và hai là con hổ tha con bò
lên núi ! Bỉ nho lại liều mình đối lại « Cua đá ghẹ xuống hồ ».
Cũng như trên, cua đá là danh từ chỉ con cua, nhưng tách riêng đá ra thì đó cũng là
động từ. Còn ghẹ nó là động từ (ghẹ = đi ghẹ = đi ké = đi ghé …) nhưng cũng là
danh từ (con ghẹ). Vậy câu đối này viết đầy đủ sẽ là :
« Hổ mang bò
lên núi
Cua đá ghẹ xuống
hồ »
Vế đối cũng được
hiểu theo hai nghĩa : con cua đá ghé xuống hồ và con cua đá con ghẹ xuống
hồ !
Còn rất nhiều vế xuất lắt léo về ngôn từ
cho đến nay vẫn chưa có vế đối như :
« Sư cô lên
đền Mông sơn, tiểu ra cả đấy, vãi ra cả đấy » hay
« Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn » đang chờ ta đó !
Cảm ơn bác đã cho thưởng thức những câu đối hóc hiểm.
Trả lờiXóaKính chúc bác thường an.
Sắp tết rồi, ngồi nhàn tản mạn đôi điều về câu đối cho vui thôi mà. Cảm ơn thi nhân thăm và gửi lại lời !
Xóa