Dựa
vào ý nghĩa của sự vật hay hiện tượng mà người ta định danh. Mỗi sự vật, hiện
tượng lại được gọi một cách khác dành cho con người và con vật. Người viết hay
nói cần biết để sử dụng cho đúng, tránh những hệ lụy đáng tiếc, chí ít bị coi
là kém cỏi.
Cùng chỉ
bộ phận trên cơ thể, trừ đầu và tứ chi ; với con người gọi đó là
« người » nhưng với động vật chỉ gọi là « thân » hay
« mình ». Nếu nói « Trên Người con lợn bị bệnh mọc đầy mụn »
là sai !
Cái miệng
cũng thế, hai cách gọi mồm hay mõm đều là nói về nó. Nhưng mõm chỉ dùng cho động
vật, chẳng hạn « mõm lợn, mõm chó » chứ không bao giờ dùng cho người.
Chỉ những trường hợp bất thường, muốn thể hiện sự khinh miệt, mới dùng để tỏ
thái độ : « Đừng chõ mõm vào việc người khác ! ». Lúc đó
người dùng muốn hạ đối tượng xuống hàng con vât.
Khi nói
về một quần thể đông đúc, với con người sẽ dùng từ « đám đông » còn ở
động vật lại gọi là « bầy đàn » ! Chẳng hạn « Đừng chạy
theo tâm lý đám đông mà mua vàng lúc này » hay « Chim di trú dựa vào
hội chứng bầy đàn để vượt qua hàng ngàn cây số. »
Hoa hậu
là từ để chỉ người phụ nữ (thường là con gái) đẹp, đứng đầu trong một cuộc bình
chọn, bởi vì chỉ có phụ nữ mới được ví với hoa, hoa hậu là vua của hoa. Cuộc
thi bò sữa để chọn ra con bò xuất sắc nhất không thể gọi con vật ấy là
« hoa hậu bò » !
Gần đây
lùm xùm chuyện sử dụng từ « ký sinh » gán cho người bán hàng rong đường
phố cũng nằm trong việc lẫn lộn này. Ký sinh là cách sống ăn bám, ký thể không
dời chủ thể trong suốt cuộc đời, nếu dời sẽ không thể tồn tại. Chấy ký sinh
trên đầu người, bọ chét ký sinh trên da động vật, giun sán ký sinh trong nội tạng
động vật … Vậy từ này chỉ dùng cho loài vật, đặc biêt là trùng (Ký sinh trùng).
Con người sống gửi, sống tạm ở đâu đó để mưu sinh chỉ có thể dùng từ « ký
túc » hay « tá túc » mà hay thường gọi là « tạm trú »
thôi !
Ấy là
nói về sự lầm lẫn giữa cách gọi dành cho người và cho loài vật. Nhiều trường hợp
khác cũng nên cố tránh để khỏi mang tiếng là ít hiểu về ngữ nghĩa.
« Tham quan » là từ ghép gồm hai từ là
« tham » là tham bác, tham khảo… và « quan » là quan
sát, nhìn… Vậy từ này chỉ việc đi đến đâu đó xem xét, quan sát, mở mang tầm
nhìn, tầm nhận thức. Nếu nhầm thành « thăm quan » thì chẳng những mắc
sai lầm về cấu trúc khập khiễng, ghép một từ thuần nôm với một từ Hán Việt, nó
còn trở thành vô nghĩa. (Lúc đó chỉ có thể hiểu là đi thăm một ông quan ! ?)
Tên Covid (Corona virut disease) là chỉ một cơn dịch, còn SARS-Cov là chỉ một
loại vỉrut. Con số 19 thêm vào để chỉ năm phát sinh (Covid-19), con số 2 chỉ chủng
virut mới (SARS-Cov-2). Ấy thế mà hằng ngày vẫn nghe thấy sự lẫn lộn khi sử dụng
hai khái niệm này. Thông thường là nói thừa “dịch covid” hay “đại dịch covid-19”
giống như “ngày sinh nhật” hay “lúc đương thời” vậy.
Trong giao tiếp thường
nhật, sự lẫn lộn ít quan trọng nhưng trên phương diện quốc gia, lẫn lộn giừa
các khái niệm, cách gọi thật sự tai hại. Ai cũng mong hiện tượng hiểu và dùng của
truyền thông đại chúng về ngữ nghĩa không còn những hạt sạn như hiện nay nữa !
Cảm ơn bác với bài luận,bàn về tình trạng ngữ nghĩa ngày nay sử dụng không chính xác,gây lệch lạc về ngữ nghĩa lại còn gây ra sự ngộ nhận lẫn nhau.
Trả lờiXóaKính chúc bác an vui.
Cảm ơn thi nhân đến thăm và đọc. Lời nhận xét thể hiện sự đồng cảm sâu sắc.
Xóa