25 thg 6, 2020

Khúc nhớ-khúc yêu












                                           (Thân ái tặng nhà thơ Phùng Gia Viên)

          Lang thang trong Tuyển tập thơ của thi sĩ họ Phùng vừa tặng, bị vấp mắt ở khúc Haiku trữ tình này:
“Tơ trời
Giăng phơi
Nỗi nhớ”.
Khúc thơ chỉ vỏn vẹn sáu âm tiết thôi mà mênh mênh mang mang đến thế. Bao nhiêu thi khúc, ca khúc viết cho cái nỗi niềm nhung nhớ này cứ thấp thoáng nhảy múa, dâng hoa trước mắt, vời vợi cùng ùa về. Nỗi nhớ không phải là một trong “Thất tình” nơi cái cung bẩy khúc của người xưa nhưng lại gắn như hình và bóng với “Yêu”, trong đó yêu lứa đôi là điển hình nhất. Ở đây cái trừu tượng của nỗi nhớ được hình tượng hóa bằng “tơ trời’, một thứ cũng không có thật nhưng gần gũi, lung linh như là có thật. Nỗi nhớ không buộc lại, đan cài mà “Giăng phơi” để đẩy sự lâng lâng của cảm súc lên đến độ thăng hoa.
          Có nhiều cách so đọ làm cho nỗi nhớ hiện hình. Chế Lan Viên thì:
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng”            (Tiếng hát con tầu)
Còn Nguyễn Bính lại:
“Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng?”              (Nhớ)
Nguyễn Đình Thi không dùng phép so sánh mà cho nỗi nhớ len vào từng ngõ ngách trong sinh hoạt đời thường để thấy sức sống của nỗi nhớ:
“Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn”             (Nhớ)
Thơ Haiku là thể loại đặc trưng trong việc sử dụng hình ảnh. Có khi nói đến nỗi nhớ mà chẳng có chữ “nhớ” nào:
“Áng mây lang thang
Gối mảnh trăng vàng
Nhìn về phía núi”                                          (Nhớ - Lý Viễn Giao)
          Phùng Gia Viên là nhà thơ nói nhiều đến nhớ. Ở những thể loại thơ khác anh gửi nỗi nhớ niềm yêu vào nhiều giác độ. Yêu nhớ quê hương, yêu nhớ mẹ, yêu nhớ người thương …Và anh đã giải mã cội nguồn nỗi nhớ của mình:
“Đồng hành với nhớ là say
Chiều vàng để lại heo may cuối trời”           (Đồng hành)
Say là thế nào? Là yêu có phải không nhà thơ Phùng Gia?
Cứ bàng bạc, bàng bạc thế thôi mà da diết, mà lãng mạn đến độ rồi đó:
“Tơ trời
Giăng phơi
Nỗi nhớ”




        








2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác LVG đã phác thảo đôi nét rất thơ của nhà thơ Phùng Gia Viên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, nhặt được câu thơ hay thì viết đôi dòng giới thiệu với bạn bè thôi mà. Mong thi nhân luôn an lạc !

      Xóa