30 thg 4, 2020

Xé vụn - Cuộc ú tim




Không thể phủ nhận một số khởi sắc của ngành giáo dục Việt Nam gần đây. Đó là những mũi nhọn về bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, về một số trường đại học, dậy nghề vươn lên nhập tốp thế giới. Nhưng về bình diện toàn cục, chưa thấy tín hiệu nào đáng mừng. Đó là chất lượng đội ngũ giáo viên về cả tri thức, kỹ năng lẫn đạo lý. Đó là tính thiếu nhất quán trong nội dung chương trình, trong chính sách đãi ngộ với người thày. Những tiêu cực trong tuyển chọn, thi cử đã làm cho cái cao quý của đội ngũ trồng người rơi xuống gần số không!
     Hiện nay ngành giáo dục dang loay hoay với việc lựa chọn sách giáo khoa lớp một, nơi khởi đầu cho việc lần lần thay đổi chương trình toàn cấp học phổ thông. Ngay từ khi hội đồng thẩm định quốc gia chọn ra năm bộ sách khả dụng đã thấy sự lùm xùm giữa những cái đầu được coi là thông tuệ nhất về giáo dục trong cả nước rồi. Bây giờ là việc từng địa phương tổ chức lựa chọn cho mình bộ sách thích hợp nhất để học sinh học. Mới nghe, thấy hình như đây là việc làm nâng cao tính tự chủ, phát huy quyền dân chủ, tính nhân văn cho một bước đi mới nhưng liệu có được như thế chăng? Việc làm này giống như đưa sự lựa chọn đứng trong một khu rừng không dấu chân. Người lựa chọn rất đa dạng, bao gồm từ phụ huynh, học sinh đến giáo viên. Đối tượng để lựa chọn có đến năm bộ sách mà bộ nào cũng là tinh hoa của trí tuệ cả. Hãy tưởng tượng chỉ có hai bộ sách với hai người chọn thôi, chưa chắc đã có sự thống nhất. đường này với chừng ấy đối tượng và sự lựa chọn, tình trạng sẽ ra sao? Được cái, việc chốt lại là một cuộc bỏ phiếu nên thế nào rồi cũng xong.
     Nếu coi các bộ sách được duyệt chọn đều là ưu việt cả thì tại sao không chọn lấy một ngay ở nơi tập trung tinh hoa, nơi định hướng đi cho ngành giáo dục nhỉ? Việc để các địa phương lựa chọn chắc chắn sẽ dẫn đến không thống nhất về chương trình, từ đó dẫn đến không thống nhất về chất lượng, thời gian và sự đánh giá kết quả dậy cũng như học. Nền giáo dục ở nước ta từ thời thuộc Pháp đến nay vẫn có truyền thống lấy một chương trình, một sách giáo khoa làm sợi chỉ xuyên suốt đó thôi. Việc làm như hiện nay chập chờn do nơi sự thay đổi thiếu chín chắn cứ không phải vì chỉ có một bộ sách dùng thống nhất. Làm như thế có phải là thể hiện một sự thiếu tự tin của cơ quan giáo dục cao nhất không? Có vẫn lãng phí khi mà các địa phương năm sau lại chọn bộ sách khác để bỏ đi một lượng sách chỉ sử dụng một lần mà ta đang muốn khắc phụ để tránh lãng phí không? Thử hình dung đến lúc cả khối học phổ thông đều phải thực hiện lựa chọn như thế này thì sự rối rắm sẽ đến mức nào? Một số nước cũng thực hiện việc “thả nổi” nội dung dậy mà chỉ chốt lại ở hiệu quả của việc học nhưng không làm giống ta. Vả lại họ có bề dầy kỹ năng và kinh nghiệm từ rất lâu rồi nên việc làm ấy cứ trôi chẩy như một dòng nước tự nhiên vậy. 
     Nhân ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà hiện nay, dựa vào tình thế bất thường này, đã manh nha một việc “xé vụn” nữa. Chia năm học thành bốn học kỳ! Nếu việc đó được quyết, ngành giáo dục sẽ không kịp thở để giải quyết những việc mỗi đầu và cuối kỳ sinh ra. Học sinh sẽ gần như quanh năm phải tham gia đánh giá (Dù không coi là thi đi nữa), tạo nên sự căng thẳng không cần thiết. Mà xét cho cùng, việc làm này mang lại hiệu quả gì hơn cho dậy và học? Học sinh sẽ không còn kỳ nghỉ dài hơi để tham gia vui chơi hay rèn luyện kỹ năng sống một cách đàng hoàng. Phụ huynh sẽ khổ sở khi phải xé vụn việc thu xếp suốt quanh năm trong những thời gian con em không đến lớp để được nhà trường quản lý.
     Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay không tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như đã quen làm những năm gần đây và được ghi nhận là hiệu quả. Việc chỉ tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp, các trường đại học và dậy nghề tự tuyển chọn cũng là một cách “xé vụn”. Sẽ có nhiều kỳ thi tuyển hoặc cách xét tuyển do các trường tiến hành theo cách riêng. Từ đó dẫn đến rất tốn kém cho nhiều cuộc thi, cho việc học sinh phải dắt díu đi lại để thi tại nhiều trường và hơn hết là sự vênh lệch cho chất lượng đầu vào của các trường. Biết rằng với hoàn cảnh đặc biệt của năm học này nên chất lượng và ngay cả số lượng kiến thức của học sinh bị ảnh hưởng nhưng việc tổ chức thi như mọi năm có gì trở ngại đâu. Trong phạm vi kiến thức đã hạn chế vẫn có thể phân loại phần tốt nghiệp và phần tuyển chọn vào đại học, chuyên nghiệp bằng một cuộc thi tuyển chung kia mà.
     Vẫn tin vào nơi những cái đầu sáng suốt đang muốn làm mới ngành giáo dục nước ta. Cũng vẫn e về những bước đi còn đang “mắc tóc” khi bước vào đoạn đường mới này. Và vẫn chờ một cuộc bứt phá ngoạn muc, ngõ hầu ngành giáo dục nước ta sánh vai cùng bạn bè trên thế giới.



2 nhận xét:

  1. Cảm ơn Bác đã có lời bàn giúp mọi người nhìn rõ hơn về việc Bộ giáo Dục thay đổi sách giáo khoa khởi từ lớp Một .
    Chúc bác an vui và mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thi nhân đến thăm và tỏ lời đồng cảm. Xin cảm ơn !

      Xóa